Cách phát hiện nhanh amoni trong nước

Cập nhật lúc : 4:14 PM, 17/03/2009
Tiến sĩ Trần Văn Nhị, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, người dân có thể nhận biết mẫu nước nhiễm amoni nặng gấp 5 – 10 lần cho phép khi luộc thịt.

Tiến sĩ Nhị giải thích, bản thân amoni không độc, nhưng khi nó tồn tại trong nước sẽ chuyển thành nitrite. Nitrite trong nước sẽ ức chế men enzim trong thịt cản trở quá trình chuyển màu của thịt.

“Vì thế, thịt chín nhừ cũng không thể chuyển sang màu hồng mà vẫn giữ màu như thịt sống. Ngoài ra, với những mẫu nước nhiễm amoni trên 20mg một lít trở lên có thể ngửi thấy mùi khai”, ông Nhị nói.

Nước của một số nhà máy nước ở Hà Nội đang bị nhiễm amoni. Ảnh minh họa: Thu Trinh

Tuy nhiên, đây là cách phát hiện có tính định tính, chỉ dùng với các trường hợp nước nhiễm amoni nặng, nước nhiễm amoni mức nhẹ và trung bình không thể kiểm tra bằng mắt thường mà phải kiểm tra bằng thiết bị chuyên dụng.

Để biết chính xác, tiến sĩ Nhị khuyên người dùng nên mang mẫu tới Phòng thí nghiệm Quang-Sinh thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam để tiến hành kiểm tra.

Tiến sĩ Nhị cho biết, có nhiều gia đình mang mẫu nước đến phòng thí nghiệm để kiểm tra, từ đó, đã phát hiện nhiều mẫu nước nhiễm amoni nặng, thậm chí gấp đến 20 – 30 lần cho phép. Theo quy định của Bộ Y tế (năm 2002), nồng độ amoni trong nước sinh hoạt cho phép là: 1,5mg trên một lít, nitrite là 3 mg trên một lít.

Theo tiến sĩ Nhị, có thể kiểm tra kiểm tra nhanh hàm lượng amoni bằng cách lấy đầy nước cần xét nghiệm vào một lọ nhỏ, rồi chia một nửa sang một lọ khác, sau đó dùng chất thử để kiểm tra:

Lọ 1: cho hai giọt netsle vào. Nếu nước chuyển sang màu vàng (vàng chanh, vàng nâu, vàng đậm) thì trong nước có chứa chất amoni. Có thể xác định bán định lượng nước nhiễm amoni nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào màu của nước sau thử (nước có màu càng đậm thì nhiễm amoni càng nặng).

Lọ 2: cho hai chất griss 1 và griss 2, mỗi loại một giọt vào lọ 2. Chờ 5 – 10 phút, nếu nước chuyển sang màu hồng là nước có chứa nitrite (NO2-).

“Để xác định chính xác nồng độ amoni trong nước, đem nước đó soi dưới máy quang phổ. Tất cả thời gian để xét nghiệm nồng độ amoni trong nước khoảng 15 phút với sai số không đáng kể”, tiến sĩ Nhị nói.

Theo tiến sĩ Nhị, khi vào cơ thể, nitrite sẽ tranh oxy trong hồng cầu của con người, gây bệnh hiểm nghèo (ung thư, u bướu…) với tỷ lệ cao.

Chất này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, ngoài khả năng mắc bệnh ung thư, trẻ còn có nguy cơ mắc trực tiếp bệnh xanh da và các bệnh về đường hô hấp (do hệ men phân huỷ nitrite của trẻ chưa phát triển).

Trong một nghiên cứu ở nước ngoài về tác hại của amoni trên động vật thực nghiệm (thỏ, khỉ, chuột) cho thấy, nếu cho động vật thực nghiệm uống nước có lượng amoni gấp 5 – 6 lần cho phép, sau ba tuần đến một tháng, những con vật này có thể xuất hiện khối u.

Nếu nước nhiễm amoni ở mức nhẹ (dưới 7 mg một lít), ông Nhị cho biết, có thể dùng các thiết bị lọc bán trên thị trường để loại bỏ. Nhưng với những mẫu nước nhiễm amoni nặng hơn thì phải dùng đến thiết bị lọc nitrite liên kết chuyên dụng. Nguyên tắc khử nitrite của máy lọc chuyên dụng là chuyển nhanh NO2 sang NO3 và N2 (chất khí) và bay lên.
Lê Trang

Posted on February 27, 2010, in Amoniac-Muối amoni and tagged , , , . Bookmark the permalink. Leave a comment.

Leave a comment