Blog Archives

Los Angeles cấm sử dụng túi nhựa

TTO – Ngày 22-7, chính quyền thành phố Los Angeles (Mỹ) đã thông qua lệnh cấm sử dụng túi nhựa tại các cửa hàng trong thành phố kể từ nay đến năm 2010.

Theo thông báo từ Hội đồng thành phố Los Angeles, kể từ ngày 1-7-2010 việc phát túi nhựa cho khách hàng sẽ bị hủy bỏ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng bán lẻ. Qui định mới này đã được thông qua tại phiên họp toàn thể của hội đồng địa phương.

Đến thời điểm trên, khách hàng sẽ phải mang túi riêng từ nhà để chứa hàng hóa. Trường hợp không có túi riêng, khách phải mua một túi nhựa tự hủy tại cửa hàng với giá 25 xu/cái

Theo các số liệu thống kê của cơ quan chức năm, mỗi năm các siêu thị, cửa hàng ở Los Angeles đã phân phát gần 2,3 tỉ túi nhựa.

Năm 2007, San Francisco trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm sử dụng túi nhựa không tự hủy tại các cửa hàng nơi đây. Một điều luật tương tự đang được soạn thảo ở mức độ toàn bang California, nhằm tiến đến việc khai tử túi nhựa kể từ năm 2012. Tính đến nay, nhiều nước trên thế giới đã thông qua luật cấm sử dụng các loại túi nhựa, được xem là gây nguy hại cho môi trường.

ĐỨC TRƯỜNG (Theo AFP)/tuoitre.com.vn

Gabon: cấm dùng túi bằng nhựa plastic trên cả nước

SGTT
Lệnh cấm và hạn chế sử dụng túi nhựa từng được đưa ra ở nhiều nước. Năm 2002, Dhaka (Bangladesh) là thành phố đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm sử dụng túi nhựa. Sau đó Ireland đánh thuế túi nhựa nhằm giảm lượng tiêu thụ túi nhựa xuống 90%. Năm 2005, Pháp thông qua việc cấm túi nhựa khó phân hủy vào năm 2010.

Từ tháng 7.2010, chính quyền Gabon (châu Phi) sẽ cấm sử dụng các loại túi bằng nhựa plastic, và sẽ dùng loại túi nhựa sinh học thay thế, đánh dấu nước đầu tiên trên thế giới cấm túi nhựa. Túi nhựa sinh học được làm bằng polymer phân hủy, có khả năng tự phân hủy khi bị tác động của nước không khí và ánh sáng mặt trời. Cuối năm 2009, trường Đại học Campinas, Brazil cũng giới thiệu một loại túi nhựa sinh học mới, có khả năng tự hủy rất nhanh, được làm từ cây Quinoa, một loại cây lương thực tại vùng núi Andes. Túi này là có thể tự tiêu hủy dưới tác động của vi sinh vật chôn dưới đất trong vòng 18 ngày.

K.D (afriquejet)

Gabon – quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng túi nilon

ĐCSVN
Chính quyền Gabon đã quyết định cấm sử dụng các loại túi bằng nhựa plastic. Ngay từ tháng 7 tới đây, loại túi này sẽ được thay thế bằng loại túi nilon sinh học. Với việc đưa ra quyết định này, Gabon sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng một biện pháp mạnh ở mức độ quốc gia.

Ngày 4/3 vừa qua, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba đã thông báo quyết định, sẽ áp dụng trong tương lai gần, cấm sử dụng các loại túi nhựa plastic trên toàn lãnh thổ quốc gia. “Một biện pháp khẩn cấp”, phải được áp dụng ngay lập tức, ông Ali nêu rõ.

Bắt đầu từ ngày 1/7, tất cả loại túi nhựa plastic sẽ “được thay thế bằng các loại túi nilon sinh học trên toàn lãnh thổ Gabon”, ông Henri Michel Auguste, Chủ tịch tổ chức H2O tại Gabon cho biết.

Tại phần lớn các quốc gia châu Phi, các loại túi nhựa plastic được sử dụng một cách quá rộng rãi, dẫn tới tình trạng ô nhiễm hóa học đất, các nguồn nước ngầm cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác đối với môi trường. “Một túi nhựa plastic phải tồn tại ít nhất 150 năm trước khi phân hủy. Đối với nhiều loại túi, thậm chí cần tới 400 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa”, ông Henri Michel Auguste nhấn mạnh. Theo ông, việc cấm sử dụng túi nhựa plastic sẽ chỉ đem lại hiệu quả tốt nếu nó được áp dụng “ngay từ khi bắt đầu được manh nha hình thành từ các nhà máy sản xuất”.

Nếu chính phủ kiểm soát tốt vấn đề này, Gabon sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng một quyết định mạnh mẽ như vậy trên toàn lãnh thổ quốc gia.

Trước đó, lệnh cấm cũng như hạn chế sử dụng túi nilon cũng đã từng được nhiều quốc gia hưởng ứng, tuy nhiên mới chỉ được áp dụng ở cấp địa phương. Năm 2002, thành phố đầu tiên trên thế giới ra lệnh cấm sử dụng túi nilon là thủ đô Dhaka (Bangladesh). Tiếp đó là Ireland, đánh thuế túi nilon kể từ năm 2002 nhằm giảm lượng tiêu thụ túi nilon xuống 90%. Tháng 4/2003, vịnh Coles ở Tasmania đã trở thành “thành phố đầu tiên không sử dụng túi nilon của Australia” và hành động này sau đó đã nhận được sự hưởng ứng của 12 thành phố khác. Năm 2005, các nhà lập pháp của Pháp cũng đã bỏ phiếu thông qua việc cấm túi nilon khó phân hủy sinh học vào năm 2010. Các quyết định tương tự cũng đã được đưa ra tại nhiều nơi như các bang miền tây Maharashtra (Ấn Độ); San Francisco (Mỹ); Butan; Nhật Bản;Trung Quốc; Rwanda; Eritrea; Nam Phi; Uganda và Kenya …

Cuối năm 2009, các nhà khoa học tại trường Đại học Tổng hợp Campinas (Brazil) cũng đã giới thiệu một loại túi nilon sinh học mới, có khả năng tự hủy rất nhanh. Đây là loại túi được làm từ cây Quinoa, (tên khoa học: Chenodium Quinoa), một loại cây lương thực sinh trưởng tại vùng núi Andes. Ưu điểm nổi bật của loại túi này là có thể tự tiêu hủy dưới tác động của vi sinh vật (chôn dưới đất) chỉ trong vòng 18 ngày.

Những "hiệp sĩ" đánh nhau với… túi nylon!

Lao Động số 154 Ngày 11/07/2009 Cập nhật: 7:38 AM, 11/07/2009
– Đôi lúc, tôi đã hoang mang tự hỏi, không biết bằng công nghệ nào và đường dây phân phối tài ba tới mức nào, mà túi nylon nó len lỏi vào cuộc sống, nó chiếm lĩnh từ thói quen đến cả… tâm thức của quá nhiều người Việt Nam như thế.

Về quê, bổ nhát cuốc xuống mảnh vườn nhà, lưỡi cuốc oằn lên, đất văng túi bụi lên mặt, lên trời – bởi cả một thế giới bao nylon chôn rấp sẵn trong bụng đất.

Ngồi quán, thấy bà chủ buộc tim, gan, óc gà lợn vào trong những cái túi nylon, thả cả túi vào trong nồi nước dùng sôi sình sịch (để nó khỏi bị tan lũa hay rơi xuống đáy nồi), trước khi vớt ra… bát của thực khách.

Một bà nội trợ, tay không ra chợ, lúc về, xách theo lúc lỉu toàn bao nylon, từ gạo, thịt, rượu, giấm, đến hai củ hành, ba quả ớt, một nhánh tỏi, dăm viên thuốc cảm cúm, cái gì cũng được bọc riêng rẽ trong một túi nylon.

Một thảm hoạ túi nylon, chẳng bao lâu nữa, nylon sẽ choán hết mặt đất này và cứ thế gây tật bệnh cho con người. Đến một ngày, tôi gặp các “hiệp sĩ” chống lại túi nylon ở các hòn đảo ngoài Cù Lao Chàm.

Xã duy nhất của Việt Nam “nói không với túi nylon”

Lần trước, ra đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), tôi đã không dám… tắm biển. Vì bãi biển có cả phân lợn nổi lều phều và cơ man nào là túi nylon lềnh bềnh. Mùa gió nồm, nylon từ đất liền, từ biển bao la, cứ dạt mãi vào các mép đảo. Nghĩa là: Không chỉ Cù Lao Chàm thải nylon xuống biển làm ô nhiễm 8 hòn đảo tuyệt đẹp của xã.

Ông Nguyễn Văn Bâng, 52 tuổi, người Bãi Làng vẫn còn ám ảnh: “Hãi hùng trước túi nylon, bà con gom chúng lại, đem lên các ngọn núi để chôn lấp. Nhưng, hễ mưa xuống, là nylon lại theo nước tràn xuống biển, sóng biển lại đẩy tất cả vào bờ bãi. Chúng tôi từng nói: Cứ thế này thì không dám ra biển nữa”. Những mũi thuyền xa khơi, thuyền cao tốc, cũng bị sự đeo bám của một thế giới toàn rác rưởi dưới dạng túi nylon.

Phải làm sao? Xã Tân Hiệp với gần 3 nghìn dân, diện tích hơn 15,5km2 cùng nhiều đơn vị đóng trên địa bàn, nhưng chưa bao giờ có nhân viên đi thu gom rác cả. Cũng không có bãi rác. Tất tật cái gì không cần nữa, họ ném cả xuống cái bãi rác khổng lồ: Biển cả.

Trong khi đó, mới đây, biển đảo Cù Lao Chàm cùng với mũi Cà Mau của Việt Nam đã được nhân loại tiến bộ vinh danh là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Du khách trong và ngoài nước, ngót nghìn người mỗi ngày ra chiêm bái 8 hòn đảo của Cù Lao Chàm. Các chuyên gia nghiên cứu đại dương, các đơn vị bảo tồn và du khách lặn biển ngắm san hô ngày càng nhiều. Đôi lúc người Cù Lao Chàm đã thấy sượng sùng với du khách vì sự nhếch nhác bẩn thỉu của mình.

Cuối tháng 5 năm 2009, ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành uỷ Hội An, ra làm việc với xã đảo Tân Hiệp. Chiếc canô dũi vào một góc bờ biển bãi Ông, nơi này phủ kín bao nylon bẩn thỉu đã làm ông Sự thấy đau đớn. Tại sao không vận động toàn dân khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nói không với túi nylon (rồi tiếp đến cả TP.Hội An)? – ông Sự và các cộng sự trăn trở. Và, chỉ một ngày, khẩu hiệu, panô, ápphích được in xong, ông Sự ra đảo họp dân và… diễn thuyết. Bà con vốn đã sợ hãi túi nylon, nay có người đứng ra vận động, cứ vỗ tay rào rào.

Ông Sự ví von: Trước, cả xã có 19 cái điện thoại, trong khi chỉ có 14 cái toalet. Thế là số lượng điện thoại ở quê hương của Rôbinsơn vẫn còn nhiều hơn… nhà xí (bà con đồng loạt có thói quen “đại tiện” ra biển), chúng ta vận động, mỗi gia đình một cái nhà tiêu, khó khăn như húc đầu vào đá, lúc đầu không ai nghĩ chúng ta sẽ thành công.

Chúng ta lại vận động làm đường, thành công! Nay, cuộc chiến với túi nylon, kể cả nó khó như “dời non lấp bể”, chúng ta cũng phải làm. Chúng ta là khu dự trữ sinh quyển của cả thế giới cơ mà.

Đỗ Doãn Hoàng