Category Archives: Uncategorized

Lịch sử và ý nghĩa Ngày môi trường thế giới (05/06)

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5-6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường (UNEP) của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này, lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.

Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống. Hội nghị của Liên Hợp Quốc về con người và môi trường tổ chức tại Stockholm (thủ đô Thuỵ Điển) trong thời gian 5-6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường. Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Kể từ đó, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường Thế giới và khuyến khích những người dân, Chính phủ và các tổ chức của tất cả các nước trên thế giới tổ chức các hoạt động nhằm cải thiện môi trường ở nước mình trong ngày này.

Ở nhiều nước các hoạt động kỷ niệm ngày này đã thực sự thu hút sự chú ý của giới chính trị và thúc đẩy các hoạt động chính trị nhằm làm cho các Chính phủ tham gia ký kết và thông qua các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Mỗi năm Liên hợp quốc sẽ chọn ra một thành phố làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm của cả thế giới để kỷ niệm ngày này và đưa ra một chủ đề riêng nào đó làm trọng tâm chính cho các hoạt động môi trường trong năm. Trong ngày này, nhân dân trên toàn thế giới sẽ nhận được một thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó có nêu lên các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chung trên toàn thế giới. Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hợp Quốc đã phát động thêm Lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng ngày môi trường thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.

Các thành phố đăng cai tổ chức các hoạt động quốc tế nhân Ngày Môi trường thế giới (tính từ năm 1987)

2006 Angiê – Angiêri
2005 San Francisco – Hoa Kỳ
2004 Bacelona – Tây Ban Nha
2003 Beirut – Li băng
2002 Thẩm Quyến – Trung Quốc
2001 Torino/Habana Italia/Cuba
2000 Adelaide – Ôxtrâylia
1999 Tokyo – Nhật Bản
1998 Moscow – Liên Bang Nga
1997 Seoul – Hàn Quốc
1996 Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ
1995 Pretoria – Nam Phi
1994 London – Vương Quốc Anh
1993 Bắc Kinh – Trung Quốc
1992 Rio de Janeiro – Braxin
1991 Stockholm – Thuỵ Điển
1990 Mexico City – Mehicô
1989 Brussels – Bỉ
1998 Băng cốc – Thái Lan
1987 Nairobi – Kenya

Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Mỗi năm, Liên Hiệp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.

Ngày Môi trường thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước, bằng chứng là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng, danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng ngày càng nhiều.

Các hoạt động được lập kế hoạch từ trước hoặc trong quá trình tổ chức Ngày Môi trường thế giới rất đa dạng. Ngày Môi trường thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú, như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thi và làm sạch môi trường.

Ngày Môi trường thế giới còn là một sự kiện “trí tuệ”, nó tạo cơ hội để tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn về việc gìn giữ sự trong lành của môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau. Các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò quan trọng; sự kiện này còn tạo cảm hứng cho hàng nghìn nhà báo trên thế giới để viết về môi trường.

Nhiều cam kết đã được long trọng tuyên bố, kết quả là nhiều cơ quan quản lý môi trường và quy hoạch kinh tế của chính phủ đã được thành lập.

Ngày Môi trường thế giới còn tạo cơ hội để ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế về lĩnh vực môi trường. Đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Các công chức địa phương, vùng và chính phủ, các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng môi trường sẽ đưa ra các công bố và cam kết chăm sóc trái đất của chúng ta.

Ví dụ, năm 1994, Tổng thống Fidel Ramos của Philipinnes đã kêu gọi người dân nước mình tạm dừng trong chốc lát vào 12 giờ trưa ngày 5-6 để “nghĩ tới việc làm sạch môi trường, nghĩ tới màu xanh, với sinh lực vốn có và niềm phấn khích, phục hồi lại nguồn năng lượng mà chúng ta vay của thiên nhiên.”

Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm ngày lễ này trong phạm vi cả nước.

Hàng năm, Cục Bảo vệ Môi trường/ Bộ Tài nguyên và Môi trường thường phối hợp với các cơ quan liên quan phát động và tổ chức sôi nổi ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước với các hoạt động như: tổ chức các chiến dịch làm sạch đẹp môi trường sống, môi trường làm việc… và cũng chọn ra một địa phương nào đó làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước. Lễ kỷ niệm Ngày 5/6 hàng năm ở Việt Nam thường có sự tham gia của mọi tầng lớp dân chúng như: các quan chức Chính phủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức quốc tế và các đại sứ quán ở Việt Nam, học sinh, sinh viên và các tổ chức xã hội quần chúng…

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và Tai nan lao động: Quan trọng là ý thức doanh nghiệp

Ô nhiễm môi trường và tai nạn lao động hiện được coi là một vấn nạn trong các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề này càng trở lên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Bởi trong quá trình hội nhập, cùng với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan, tự do hóa thương mại, thì những yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tai nạm lao động đang là một thách thức lớn nếu doanh nghệp muốn tồn tại.

Doanh Nghiệp nhỏ, gây ô nhiễm lớn

Theo một nghiên cứu năm 2007 của Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết khoảng 70% số đơn vị đã thực hiện các biện pháp khác nhau nhằm bảo vệ môi trường. Đây là một tỷ lệ tương đối cao nhưng xét về các biện pháp cụ thể như xử lý nước, xử lý chất thải rắn, các biện pháp phòng ngừa thì tỷ lệ này dao động ở mức 50%. Đặc biệt, rất ít doanh nghiệp thực hiện xử lý khí thải.

Một nghiên cứu chưa đầy đủ khác cho thấy,  ở 1.000 cơ sở sản xuất có tới 66% cơ sở bị ô nhiễm nhiệt và 30% bị ô nhiễm tiếng ồn. Còn tại hơn 140 làng nghề, do quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư ít nên việc cải tiến công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất rất hạn chế. Đồng thời, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu sản xuất trong ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, chế biến thực phẩm… hiện nay cũng không đảm bảo an toàn, gây độc hại.Nguy hiểm và khó nhận biết nhất đối với người lao động là ô nhiễm không khí. Tại các môi trường sản xuất hóa chất, luyện kim, thuộc da… người ta tìm thấy 4 loại khí độc là SO2, C, NO, CO2.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do, bên cạnh vấn đề ý thức của người lao động còn do hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều lạc hậu, chắp vá. Đồng thời, các chủ doanh nghiệp này cũng ít chịu đầu tư chi phí để nâng cấp môi trường sản xuất. Công tác quản lý sản xuất cũng chưa chuyên nghiệp hoặc không tuân thủ các quy định pháp luật về vệ sinh lao động, thiếu các biện pháp an toàn, mặt bằng sản xuất chật hẹp và không tổ chức huấn luyện kiến thức bảo hộ lao động các chủ cơ sở sản xuất vừa và nhỏ cần ý thức đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, công nghệ.

Đa số nhà xưởng của các Doanh Nghiệp nhỏ đều làm tạm bợ, bố trí các lỗ không khí không khoa học khiến cho công nhân luôn ở trạng thái mệt mỏi và khó thở. Chưa kể cường độ làm việc, chỉ mỗi sức nóng và sự bí hơi của nhà xưởng cũng đủ làm công nhân “đuối sức”. Chính vì vậy mà 4 nhóm bệnh nghề nghiệp chủ yếu hiện đang “hoành hành” ở người lao động là: Bệnh bụi phổi nghề nghiệp (bụi phổi silíc, bụi phổi Amiăng); bệnh điếc nghề nghiệp; bệnh sạm da nghề nghiệp; bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp.

Cần nâng cao nhận thức Bảo Hộ Lao Động cho Doanh Nghiệp

Theo VCCI, mặc dù đã được VCCI và các ban, ngành liên quan hỗ trợ trong việc thực hiện bảo hộ lao động cũng như công tác an toàn vệ sinh lao động, nhưng trên thực tế rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, hoặc các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa quan tâm đúng mức tới công tác đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như an toàn lao động. Nhiều doanh nghiệp thực hiện nhưng cũng chỉ mang tính đối phó, chưa đầy đủ.

Theo dự báo, đến năm 2010, cả nước sẽ có trên 500 ngàn doanh nghiệp hoạt động, trong đó trên 95% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 56 triệu lao động. Căn cứ vào sự gia tăng số lượng lao động và sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa ở nước ta, thì dự báo vào năm 2010 trong khu vực công nghiệp ở nước ta sẽ có khoảng 120- 130 ngàn người bịâti nạn lao động, trong đó có 1.200 người chết, gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy mà theo Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân: “đây sẽ  là một thách thức lớn, nếu  không có những biện pháp tích cực và kịp thời để cải thiện điều kiện lao động, ngăn chặn sự gia tăng tai nạm lao động, bệnh nghề nghiệp thì sẽ gây ra hiểm họa không chỉ cho một doanh nghiệp, một vùng mà còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến an sinh xã hội, làm huỷ hoại môi trường, gây thiệt hại khôn lường về người và tài sản quốc gia”

Còn các chuyên gia về an toàn lao động của VCCI cho rằng,  để làm được việc này, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư về vốn và kỹ thuật của Nhà nước thông qua những chính sách cụ thể. Đồng thời, người lao động cũng cần nâng cao ý thức kỷ luật, tuân thủ các quy định lao động. Khi môi trường lao động bảo đảm, chắc chắn chất lượng lao động và năng suất lao động sẽ ngày một tăng. Đấy mới là sự cạnh tranh mang tính hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, cần xây dựng một cơ sở hạ tầng đảm bảo, nâng cao nội lực và nhận thức của các doanh nghiệp, tạo ra các áp lực và động cơ thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Đặc biệt cần thúc đẩy nghề cố vấn môi trường nhằm tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp về xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng…

Box: Nằm trong chương trình quốc gia về bảo hộ lao động , an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010, Dự án nâng cao chất lượng công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa của VCCI đang được triển khai mạnh mẽ tại các donh nghiệp. Tất cả các đối tượng là người sử dụng lao động, các cán bộ quản lý an toàn lao động, người lao động… đã được VCCI trang bị những kiến thức cơ bản về bảo hộ lao động. Một trong những mục tiêu chính của dự án này là nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo hộ lao động trong cácdoanh nghiệp nhỏ và vừa như một nội dung quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trên các mặt kinh tế, chính trị và xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quốc Anh

Các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường? Các biện pháp phòng chống?

Mỗi ngày, Hà Nội thải ra hơn 1.500 tấn rác, trong đó có 90% lượng rác thu gom được xử lý bằng công nghệ chôn lấp tại khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn, một phần khác được xử lý vi sinh tại Xí nghiệp chế biến phế thải đô thị ở Cầu Diễn.

Khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn hiện đang gây ô nhiễm. Bãi rác nằm gần khu dân cư và hàng ngày phế liệu được thu gom không đảm bảo vệ sinh. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, trong rác hữu cơ, tỷ lệ nước chiếm 60-70%. Với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta, chỉ trong một thời gian ngắn, các chất hữu cơ sẽ bị phân hủy và giải phóng lượng nước nói trên, trong khi đó 50% lượng rác ở Nam Sơn lại là rác hữu cơ. Kết quả điều tra về chất lượng nước ngầm khu vực xung quanh bãi chôn lấp rác cho thấy, hầu hết nước ngầm tại đây bị nhiễm các chất hữu cơ và nhiễm khuẩn.

Công nghệ chế biến phân compost là một hình thức tái chế rất hữu hiệu các chất thải hữu cơ, không gây ô nhiễm và làm tăng tỷ lệ thu gom các loại chất thải có thể tái chế được. Mặt khác, chế biến phân compost có thể giảm ô nhiễm không khí và giúp giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Khí từ các bãi chôn lấp được tạo thành do quá trình phân hủy các thành phần hữu cơ trong chất thải có chứa khoảng 50% khí mê tan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Chế biến phân compost làm giảm phát thải khí nhà kính do giảm lượng chất thải hữu cơ bị phân huỷ. Chính hoạt động này sẽ giúp chúng ta nhận được chứng chỉ cacbon theo cơ chế phát triển sạch trong công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và có thể bán các chứng chỉ này trên thị trường quốc tế, tạo ra nguồn thu lớn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chế biến phân compost từ chất thải hữu cơ chưa được phổ biến rộng rãi ở nước ta như: nguyên liệu đầu vào chất lượng kém, chất lượng phân hữu cơ chưa cao, tiếp thị sản phẩm chưa tốt. Phân compost do các nhà máy sản xuất thường có lẫn nhiều vụn thủy tinh, kim loại, điển hình là nhà máy chế biến phân compost Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, hoạt động năm 1982 với nguồn là chất thải sinh hoạt chưa phân loại, đã phải đóng cửa năm 1991 do sản phẩm khó tiêu thụ.

Xí nghiệp chế biến phế thải Cầu Diễn thuộc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội bắt đầu hoạt động từ năm 1992 và mở rộng quy mô sản xuất năm 2002. Xí nghiệp có công suất 50.000 tấn/năm, sản xuất khoảng 13.500 tấn phân vi sinh bằng công nghệ ủ kỵ khí cưỡng bức. Nếu so sánh với tổng lượng rác thải phát sinh thì số lượng rác được chế biến thành phân compost là quá thấp. Xí nghiệp hiện đang bán 3 loại sản phẩm có chất lượng và giá khác nhau. Tuy nhiên, giá không phải là yếu tố quyết định mà chính là chất lượng sản phẩm.

Để giải quyết những khó khăn trong việc phân loại chất thải tại nguồn, Bộ Khoa học – Công nghệ hiện đang hỗ trợ một Chương trình thử nghiệm thực hiện phân loại chất thải tại nguồn đối với chất thải sinh hoạt ở Hà Nội thành 2 loại chính là hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này chưa đạt kết quả do người dân chưa nhiệt tình ủng hộ.

Việc xử lý rác theo kiểu chôn lấp chỉ là giải pháp tạm thời. Chế biến rác thành phân compost là hướng chính trong tương lai. Do vậy giáo dục nâng cao ý thức khi phân loại rác và nâng cao chất lượng phân là vô cùng cần thiết cho một thành phố đang lớn về quy mô và tăng về dân số. Và chỉ có biện pháp đó mới giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm do rác gây ra.

Ngày gửi: 16/06/2008 – 16:41

Giải pháp nào cho nạn ô nhiễm môi trường
Nguồn nước ô nhiễm đang lấn sâu vào các kênh rạch gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Tháng 12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. Nhiều tỉnh cũng có nhiều biện pháp để đối phó với đại nạn này, nhưng nhiều doanh nghiệp hình như đã “lờn thuốc”. Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành, nhất là tại TP.HCM, dù hằng năm UBND Thành phố đã chi trên 2 tỷ đồng cho mỗi việc thu dọn và vớt rác trên kênh rạch, nhưng “đâu rồi cũng lại vào đấy”. Thay vì chăm chút cho công việc bảo vệ môi trường cho thành phố hiện đại này, thì rất nhiều người dân vô ý thức đã làm ngược lại, khiến đường phố, kênh rạch lúc nào cũng nhếch nhác và bẩn thỉu.

VỨT RÁC KHẮP NƠI

Nhiều người dân Thành phố rất bàng quan, họ xem việc giữ gìn vệ sinh đường phố là công việc của ai đó, của chính quyền chứ không phải của mình. Sáng, chiều hay bất cứ lúc nào họ cũng có thể thản nhiên vứt rác ra đường hay xuống kênh rạch, mãi rồi hành động đó trở thành thói quen và bình thường.

Rác sinh hoạt vương vãi khắp nơi, ruồi nhặng bay tán loạn, trong khi cạnh đó nhiều hàng quán thức ăn vẫn bày bán và thực khách vẫn vô tư, say sưa ăn uống. Nhiều công trình xây dựng dở dang cũng là nơi tập kết của rác rưởi, vật liệu xây dựng bị chìm lấp dưới cùi bắp, vỏ dừa, bịch ni-lông, bàn ghế cũ nát… Dưới chân là rác, trên đầu cũng rác, bên cạnh cũng rác… chỉ không muốn bỏ ra ít tiền để đổ rác hằng tháng mà nhiều người chọn cách… tống rác ra khỏi nhà mình, rồi ai bị ra sao thì mặc kệ.

Nhiều người nước ngoài khi đến thăm Việt Nam nhân cơ hội… không nơi nào có hình ảnh này… bèn chụp hình… thay vì chụp những bức ảnh về danh lam, thắng cảnh thì họ chụp những bức ảnh người dân vứt rác ra đường, tắm giặt ngoài phố… Họ vô cùng ngạc nhiên khi thấy những hành động không văn minh ấy không bị phạt gì hết.

CHẤT THẢI RẮN

TP.HCM vừa đưa thêm 2 địa điểm xử lý chất thải rắn vào hoạt động, một ở Phước Hiệp huyện Củ Chi và một ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Hai nơi này có kết cấu hệ thống ổn định và đều thi công theo tiêu chuẩn của Mỹ và Hà Lan.

Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước thời gian đầu bị bốc mùi trên các tuyến đường dẫn vào bãi rác, tuy nhiên dần dần nó đã được khắc phục. Còn ở khu Phước Hiệp (Củ Chi), theo nhận định của Công ty Môi trường Đô thị, thì bãi rác này sẽ không xãy ra sự cố gì trước mắt và lâu dài. Cuối năm 2008, Công ty Môi trường Đô thị sẽ khởi công xây bãi rác số 3 và theo đó, TP.HCM quyết tâm từ năm 2010 trở đi, đầu ra cho việc xử lý rác trên địa bàn Thành phố sẽ được đảm bảo ít nhất trong 10 năm tới.

NHỮNG DÒNG SÔNG… ĐAU KHỔ

Tại hội nghị “Triển khai đề án bảo vẹâ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai” diễn ra vào ngày 26/2/2008, có nhiều báo cáo về ô nhiễm môi trường của các tỉnh khiến người nghe… phải giật mình.

Theo công bố mới nhất của Cục Bảo vệ Môi trường, đoạn sông Đồng Nai từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại (thuộc khu vực Đồng Nai) đã bắt đầu ô nhiễm từ các chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Nhiều khu vực sông đã bị nhiễm mặn, nước sông không thể sử dụng cho sinh hoạt và tưới tiêu. Hệ thống sông Đồng Nai gồm sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Thị Vải, một số sông nhánh như sông Bé, Đa Nhim- Đa Dung, chất lượng nước ở hạ lưu đang diễn biến theo chiều hướng xấu, hàm lượng sắt rất cao, vượt tiêu chuẩn nguồn nước loại A từ 10-12 lần, khiến việc cung cấp nước sinh hoạt trở nên khó khăn. Tại khu vực cầu kênh Xáng thuộc đại phận Tây Ninh, thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông là khu vực chịu ô nhiễm nặng nhất, nhiều tháng trong năm có nồng độ oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn nhiều lần.

Có một đoạn của sông Thị Vải dài 10 km đã “chết”, nước có mùi nâu đen, mùi hôi thối nồng nặc khi nước lớn lẫn nước ròng, với nguồn nước như vậy thì không thể một sinh vật nào có thể tồn tại được. Cục Bảo vệ Môi trường còn nhấn mạnh: khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân còn phát hiện có chất thủy ngân, loại ô nhiễm độc hại với hàm lượng vượt chuẩn, riêng hàm lượng kẽm vượt chuẩn từ 3 – 5 lần.

Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm này là từ các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, sinh hoạt y tế, nông nghiệp… Theo thống kê, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xả 50%, kế đến TP.HCM là20%. Một quan chức của tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện chỉ có 9/19 khu công nghiệp trên địa bàn này có nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Còn TP.HCM thì sao? Trong những năm qua, nhiều khu công nghiệp hoạt động nhưng không có nhà máy xử lý nước thải tập trung, gần đây mới được triển khai xây dựng… Cục Bảo vệ Môi trường cảnh báo, lượng nước thải TP.HCM mà các bệnh viện, trung tâm y tế “đóng góp” là do hầu hết những nơi này chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc đã có nhưng chưa xử lý triệt để. Giới khoa học cũng cảnh báo, “đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua môi trường nước”.

CÁ CHẾT NỔI… LỀNH BỀNH

Tại hai tỉnh Long An và Tiền Giang, số phận của các con sông bi đát không kém, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Bến Lức lâu lâu lại ghi nhận việc cá, tôm chết nổi lềnh bềnh trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn xã Thạnh Lợi.

Bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Long An cho biết, mức độ ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông, đoạn từ huyện Đức Huệ đến huyện Bến Lức ngày càng đáng lo. Hàm lượng chất rắn lơ lửng tại khu vực Nhà máy đường Hiệp Hòa (Đức Hòa) vượt qui định 22 lần, tại cống xả Công ty Formosa (Bến Lức) vượt qui định 16 lần, tại cống xả Công ty Đa Năng, Bến Lức vượt qui định 2 lần. Hàm lượng BOD (nhu cầu oxy sinh học) tại Nhà máy đường Hiệp Hòa vượt quy định tới 465 lần, tại cống xả Formosa vượt 30 lần….

Theo nhận định của Sở Tài nguyên-Môi trường Tiền Giang, nước sông Tiền càng ngày càng bị ô nhiễm, lý do là Ban quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang thừa nhận KCN Mỹ Tho và Cụm Công nghiệp Trung An đến nay chưa có hệ thống xử lý nước thải chung, dù đã hoạt động hơn 10 năm. Trong năm 2007, Ban quản lý các khu công nghiệp phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường kiểm tra 11 doanh nghiêp và phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 8 doanh nghiệp xả nước thải ra sông Tiền.

Theo Ban quản lý các khu Công nghiệp Tiền Giang, hiện có 60% doanh nghiệp trong khu công nghiệp Mỹ Tho và cụm công nghiệp Trung An có hệ thống xử lý nước thải cục bộ đạt cột B và C. Lẽ ra, số nước thải này được đạt cột A, cột trách nhiệm của Ban quản lý các khu công nghiệp, nhưng do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, non sông Tiền phải hứng hết nước thải cột B và C, thậm chí nước thải chưa qua xử lý. Nguồn nước bị ô nhiễm ở gần khu công nghiệp Mỹ Tho và Bến Chương Dương cũng là nơi Công ty Cấp thoát nước Tiền Giang đặt ống lấy nước mặt xử lý, rồi cung cấp nước sinh hoạt cho TP.Mỹ Tho và các vùng lân cận.

GIẢI PHÁP NÀO CHO Ô NHIỄM?

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân khẳng định: “Dứt khoát không phê duyệt các dự án có công nghệ lạc hậu, sử dụng lao động giản đơn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”.

Theo ông Lê Hoàng Quân, đối với những dự án đầu tư mới, Thành phố sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao, những dự án mang lại giá trị lớn, đồng thời cam kết không để phát sinh doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường mới, riêng các dự án đã và đang triển khai, ông “hứa”, sẽ chỉ đạo cương quyết di dời hoặc bắt buộc phải hoàn chỉnh biện pháp giảm thiểu môi trường.

Đồng tình với ông, các lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đều nói “không và không” với những dự án có nguy cơ tác động xấu đi môi trường. Ông Trần Hồng Hà – Cục Trưởng Cục Bảo vệ Tài nguyên Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên-Môi trường cùng Chủ tịch của 12 tỉnh, thành thuộc khu vực sông Đồng Nai sẽ đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai.

Tháng 12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020, theo đó sẽ ưu tiên bảo vệ, gìn giữ nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, các tỉnh cũng mới tiến hành các công việc quan trắc nguồn nước để trao đổi thông tin rồi sau đó mới bàn giải pháp… Hơn nữa, lưc lượng thanh kiểm tra quá mỏng nên không thể phát hiện, xử lý hết những doanh nghiệp cố tình lén xả nước thải xuống sông, chỉ mong các doanh nghiệp vì lợi ích chung mà tự giác chấp hành, còn không thì… đành chịu.

Chủ trương thì kiên quyết, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, như ở Tiền Giang các doanh nghiệp vi phạm thật nhiều, nhưng đến nay chưa đình chỉ bất cứ một đơn vị nào. Như vậy, biện pháp tìm giải pháp cho nạn ô nhiễm môi trường xem ra… còn rất mịt mờ.
Anh Thư

Ngày gửi: 16/06/2008 – 16:45

Trái đất có châu lục thứ 8?

Bài viết cập nhật lúc: 02:15 ngày 10/03/2010

Mọi người đều biết trái đất của chúng ta có 7 châu lục. Nhưng có lẽ sẽ nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng tại một nơi ít người lui tới trên biên Thái Bình Dương, một “châu lục mới” đang hình thành.

Một “châu lục” mới đang hình thành từ rác thải của chính con người. Ảnh: Internet.

Người ta gọi lục địa mới này là “châu lục thứ 8” của trái đất. Có điều châu lục mới này được cấu tạo hoàn toàn từ rác. Hiện tại, hòn đảo rác này đã có diện tích gấp 6 lần diện tích của nước Anh.

Theo thông tin từ báo chí Anh, hòn đảo rác khổng lồ này được gọi là “vùng rác Thái Bình Dương”, nằm ở giữa California và Hawaii của nước Mỹ. Vùng này là một trong năm vùng xoáy nước lớn nhất trên trái đất. Xoáy nước này có khả năng hút tất cả rác thải trong phạm vi hàng ngàn km và dồn vào trung tâm của nó.

Nó hình thành từ xoáy nước khổng lồ trên biển Thái Bình Dương. Ảnh: Internet.

Vào khoảng 60 năm trước, diện tích của vùng rác này đã bắt đầu lớn dần. Cũng theo thông tin từ bài báo này, lượng rác nơi đây vào khoảng hơn 10 triệu tấn.

Về chủng loại cũng vô cùng phong phú bao gồm túi nilon, bình đựng sữa tắm, dép lê, đồ chơi trẻ em, xăm lốp, bình nước thậm chí là cả hồ bơi nhựa…

Do sự tồn tại của đảo rác khổng lồ, nước biển ở khu vực này chứa đầy các chất độc hóa học cũng như các mảnh nhựa vụn. Và chúng trở thành thức ăn “bất đắc dĩ” cho không ít các loài cá. Hiện tại, người ta đã phát có loài cá mang 26 mảnh vụn nhựa trong bụng. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng, những loài cá ăn các vật chất có độc ở đây khi bị đánh bắt và biến thành thức ăn, sẽ gây ra tác hại không thể lường trước đối với sức khỏe của con người.

Đảo rác đã trở thành nguồn thức ăn bất đắc dĩ của nhều loài động vật. Ảnh: Internet.

Một nhiếp ảnh gia người Australia đã lập kế hoạch bơi một con thuyền được làm bằng các bình nhựa xuyên qua vùng rác thải này nhằm tạo sự chú ý của mọi người đối với vấn đề này. … nói: “Khi bạn nhìn liếc qua, có thể bạn thấy nó không khác nhiều lắm với các vùng biển khác. Nhưng nếu bạn nhìn kỹ hơn, thì nơi đây đều là nhựa, nó giống như một nồi canh chất dẻo vậy”.

Tuy đến thời điểm hiện tại, đảo rác khổng lồ này vẫn chưa hề tạo nên tác hại nào trực tiếp đến cuộc sống con người. Tuy nhiên, nếu như có một ngày nào đó, một châu lục mới được hình thành trên hành tinh xinh đẹp của chúng ta thì chắc chắn sẽ là một nguy cơ không nhỏ.

Sự lớn lên nhanh chóng của “châu lục” này là mối đe doạ không nhỏ đối với cuộc sống con người. Ảnh: Internet.

Gần đây, các nhà khoa học đang nghiên cứu về khả năng biến hoàn đảo rác khổng lồ này thành chất đốt. Theo dự kiến, vào mùa hè năm nay, các nhà khoa học sẽ tiến hành lấy mẫu và bắt đầu nghiên cứu.

  • Lê Văn (Theo Tân Hoa Xã)

Theo vietnamnet.vn

Mục tiêu của Giáo dục môi trường-Học tập môi trường

Hội nghị quốc tế đầu tiên về chủ đề vấn đề môi trường là Hội nghị Môi trường và Con người Liên Hiệp Quốc được tổ chức vào năm 1972 tại Stốc-khôm, Thụy Điển. Hội nghị này đã đề cập đến sự cần thiết của giáo dục môi trường và kế hoạch giáo dục dựa trên sự hợp tác quốc tế. 5 năm sau đó (1977), Hội nghị liên chính phủ về giáo dục môi trường đã được tổ chức tại Tbi-li-xi. Trước đó, vào năm 1975 cũng đã có cuộc Hội thảo các chuyên gia về giáo dục môi trường được tiến hành tại Bê-ô-grát để chuẩn bị cho Hội nghị tại Tbi-li-xi.

Khái niệm về giáo dục môi trường-học tập môi trường trên thế giới là thành quả đạt được từ Hội nghị Tbi-li-xi và Hội nghị Bê-ô-grát. Tuyên bố chung của các nước tham dự Hội nghị Tbi-li-xi gồm 5 điểm mục tiêu sau:

(1) Quan tâm: Giúp các tổ chức xã hội và cá nhân biết cảm thụ và quan tâm đến môi trường nói chung và vấn đề môi trường nói riêng.
(2) Tri thức : Giúp các tổ chức xã hội và cá nhân có được nhiều trải nghiệm về môi trường và các vấn đề của nó, có tri thức cơ bản về môi trường và các vấn đề của nó.
(3) Thái độ: Giúp các tổ chức và cá nhân có được động cơ tham gia tích cực cải thiện và bảo vệ môi trường, có tình cảm và giá trị quan đối với môi trường.
(4) Kỹ năng : Giúp các tổ chức và cá nhân có kỹ năng xác định và giải quyết các vấn đề môi trường.
(5) Tham gia: Cung cấp cho moị người cơ hội được tham dự tích cực vào mọi hoạt độngcó mục tiêu giải quyết vấn đề môi trường.

Mục tiêu giáo dục môi trường-học tập môi trường cũng có thể chia làm 4 nội dung sau:
[Quan tâm] Tương đương mục “Quan tâm” của Tuyên bố Tbi-li-xi
[Hiểu biết] Tương đương mục “Tri thức” của Tuyên bố Tbi-li-xi
[Năng lực giải quyết vấn đề]
Tương đương mục “Thái độ và Kỹ năng” của Tuyên bố Tbi-li-xi
[Hành động] Tương đương mục “Tham gia” của Tuyên bố Tbi-li-xi

LỒNG GHÉP NỘI DUNG GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CẤP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

(Theo website: www.ctu.edu.vn của trường Đại học Cần Thơ)

I. Mục tiêu

1. Kiến thức:
HS có hiểu biết rõ về:
– Khái niệm MT, hệ sinh thái; các thành phần MT, quan hệ giữa chúng
– Nguồn tài nguyên, khai thác, sử dụng và vấn đề MT
– Ô nhiễm môi trường: nguyên nhân, tác hại và các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm
– Một số vấn đề gay cấn của môi trường
– Mối quan hệ giữa con người và môi trường: Tác động của môi trường và tài nguyên đến sinh vật và con người; Tác động của con người đến môi trường và tài nguyên.
– Luật bảo vệ môi trường và những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT
2. Thái độ – Tình cảm:
– Có tình cảm yêu quí, tôn trọng thiên nhiên
– Có tình yêu quê hương, đất nước, tôn trọng di sản văn hoá
– Có thái độ thân thiện với MT và ý thức được hành động trước các vấn đề MT nảy sinh
– Có ý thức:
+ Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai, bảo vệ nguồn nước
+ ủng hộ các hoạt động bảo vệ MT, phê phán hành vi gây hại cho MT Read the rest of this entry