Blog Archives

Halogen và cuộc sống

  • Người ta khắc chữ, hình lên thủy tinh bằng cách dùng acid HF : do SiO2 tan được trong HF tạo ra SiF4.
  • Để khử khí Clo độc trong phòng thí nghiệm, người ta xịt khí NH3 do khí này gặp Clo tạo NH4Cl, hơn nữa NH3 nhẹ hơn không khí nên dễ dàng bay đi.
  • Clo có khả năng diệt khuẩn: Khi clo hoà tan vào nước tạo axit hypocloric không bền. Khi gặp ánh sáng hoặc nhiệt, axit này tạo oxi mới sinh. Các vi khuẩn gặp oxi mới sinh, các chất khử bên trong chúng bị phân huỷ, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt. KMnO4 cũng có tính chất này nên cũng dùng để diệt khuẩn
  • Bột tẩy trắng có khả năng tẩy trùng: bột này có thành phần quan trọng là clorua vôi. Trong không khí hoặc axit, clorua vôi tạo axit hipocloric, axit này tạo oxi mới sinh, có khả năng tẩy trùng
  • Bọc phim sống bằng giấy đen: phim sống được tráng một lớp bạc bromua nhạy cảm với ánh sáng. Khi có ánh sáng chiếu vào nó sẽ bị phân huỷ
  • Nước javel để lâu ngoài không khí sẽ giảm tác dung tẩy màu, do NaClO bị phân hủy thành NaCl và NaClO3

NaClO –> NaCl + NaClO3

Diễn đàn H2VN

Náo động vì rò rỉ khí clo từ hệ thống xử lý nước sinh hoạt

Lao Động Điện tử Cập nhật: 11:14 AM, 07/05/2008
(LĐĐT) – Lúc 19-21g đêm 6.5, hàng trăm người sống tại khu vực suối Nậm Loỏng (phố Quyết Thắng 1, phường Quyết Thắng, thị xã Lai Châu) đã phải một phen náo động, bồng bế nhau sơ tán khỏi khu nhà mình đang ở do hệ thống xử lý nước sinh hoạt của Công an tỉnh Lai Châu bị rò rỉ khiến một lượng lớn khí clo bị khuếch tán ra ngoài với nồng độ rất đậm đặc.

Vài người đã bị ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo thông tin ban đầu, sự cố trên xảy ra từ lúc 16g45 cùng ngày trong lúc hệ thống xử lý nước đang vận hành khiến anh Vũ Tiến Thành – 21 tuổi, cán bộ Công an tỉnh, là người chịu trách nhiệm sử dụng, sửa chữa điện nước của đơn vị – bị nhiễm độc, ngạt thở và ngất xỉu tại chỗ, phải đưa đi cấp cứu.

Do không kịp thời khắc phục sự cố, đến khoảng 19-20g cùng ngày, lượng khí thoát ra ngày càng nhiều với nồng độ rất cao khiến hàng trăm người gồm đơn vị Cảnh sát bảo vệ, gia đình cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh và các hộ dân sống trong khu vực đã phải đi sơ tán khẩn cấp.

Đơn vị quản lý thiết bị trên đã phải điều động lực lượng cứu hỏa đến phun nước lên vùng không khí trong khu vực nhiễm độc suốt từ khi đó đến 24g cùng ngày nhằm bão hòa lượng khí đã khuếch tán ra môi trường. Một người khác thuộc lực lượng cứu hỏa cũng đã bị xỉu tại chỗ trong lúc làm nhiệm vụ do nhiễm độc và ngạt thở.

Đến khoảng 1g sáng ngày 7.5, do lượng khí trong bình đã rò rỉ hết và có mưa lớn làm bão hòa lượng khí khuếch tán trong không gian, một số gia đình mới quay trở về nhà, sinh hoạt bình thường.

H.L (TTXVN)

Uống nước có hàm lượng Clo không đạt tiêu chuẩn: Có thể bị ngộ độc

Thứ năm, 01 Tháng chín 2005, 08:51 GMT+7
Trao đổi với dược sĩ Nguyễn Thị Từ Minh – phó khoa vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM:

* Thưa dược sĩ, vì sao trong nước sinh hoạt cần có clo dư?

– Clo là hóa chất khử trùng chủ yếu sử dụng trong hệ thống cung cấp nước cộng đồng cỡ nhỏ ở nhiều quốc gia. Việc khử trùng nước uống nhằm ngăn cản các bệnh lan truyền qua đường nước. Clo có ưu điểm hơn hẳn các chất khử trùng khác là để lại một lượng clo thừa sau khử trùng có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà. Trong một số trường hợp, thiếu clo thừa trong hệ thống phân phối có thể gây ô nhiễm sau xử lý.

* Hàm lượng clo dư trong nước không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

– Nước có hàm lượng clo thấp dưới tiêu chuẩn (0,3mg/lít) dễ bị nhiễm vi sinh. Tùy cấp độ, người uống nước này có thể bị đau bụng, tiêu chảy…

Ngược lại, nước có hàm lượng clo vượt quá tiêu chuẩn (0,5mg/lít) có thể gây ngộ độc. Tùy theo nồng độ, thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. Các triệu chứng lâm sàng của người bị nhiễm độc clo cấp tính là: ho, khó thở, đau ngực, phù phổi… Nếu ngửi lâu có thể gây tổn thương đường hô hấp. Tiếp xúc lâu với mắt có thể gây tổn thương giác mạc.

* Người dân phải xử lý như thế nào trong tình trạng nước bẩn?

– Nước mới lấy trong vòi không nên dùng ngay, nên chứa nước lại trong thau sạch, quậy nhiều lần và lắng kỹ. Tốt nhất là dùng nước đun sôi.

Trong trường hợp nước có mùi lạ, vị lạ, người dân nên đến kiểm tra tại Trung tâm Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh y tế công cộng, Viện Pasteur hoặc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM.

* Cám ơn dược sĩ.

YẾN TRINH thực hiện
Việt Báo //  (Theo_TuoiTre)

Nước máy có mùi lạ là do lượng clo dư

Lao Động số 82.  Cập nhật: 8:27 AM, 15/04/2009

Do nước máy có mùi clo, nên gia đình ông Chấn phải sử dụng nước mưa để sinh hoạt hằng ngày.

(LĐ) – Gần đây, đường dây nóng của Báo Lao Động nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân sống tại tổ 38 – 39 phường Mai Dịch về việc nước máy có mùi lạ, rất khó chịu, nên người dân không dám sử dụng vì nghi ngờ nước không đảm bảo chất lượng.

Có nước mà không dám dùng

Theo phản ánh của người dân: Trước đây, tại khu vực này, người dân dùng nước Phần Lan và không hề có mùi lạ. Nhưng từ đầu tháng 4.2009, từ khi sử dụng nguồn nước mới được lấy từ Nhà máy nước Sông Đà thì trong nước máy có mùi giống như mùi ẩm mốc.

Bác Nguyễn Thị Hà (số 201 phố Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) cho biết: Ngay từ khi dùng nước từ nguồn mới, gia đình tôi đã cảm thấy rất khó chịu bởi mùi mốc, nhất là khi pha trà thì nước bị mất mùi, mất màu. Khi hỏi những gia đình bên cạnh thì ai cũng giống gia đình tôi, đều xác định trong nước có mùi lạ. Thậm chí, nhiều gia đình còn tưởng bể nước nhà mình bị làm sao, thau rửa, nhưng vẫn không hết mùi.

Do trong nước có mùi lạ nên nhiều gia đình phải đi mua nước đóng chai về uống, đun nấu. Theo bác Đoàn Văn Chấn – Tổ trưởng tổ 39: Nước máy của 90 hộ trong tổ đều có mùi ẩm mốc. Ngay nhà tôi, dù nước đã được bơm lên bể mấy ngày, nhưng khi sử dụng vẫn còn mùi mốc, nên cả nhà tôi đành sử dụng bể nước mưa.

Chúng tôi cũng đã phản ánh ra UBND phường về việc này và đến sáng 14.4, Trưởng trạm y tế phường Mai Dịch đã thông báo với chúng tôi về tình trạng nước máy không hề bị nhiễm độc hay vi phạm bất cứ các quy định, quy chuẩn nào về nước sạch.

Hiện nay, mặc dù mùi ẩm mốc đã giảm đi, tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn hoang mang, lo lắng về chất lượng nước. Nhiều người mong muốn cơ quan quản lý, cung cấp nước sạch cần có văn bản trả lời xác đáng để mọi người có thể yên tâm sử dụng nước máy trong sinh hoạt hằng ngày.

Nước có mùi clo là bất khả kháng

Để làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi có trao đổi với ông Bạch Văn Cường – PGĐ Cty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), là đơn vị cung cấp nước cho các hộ dân sống tại tổ 38 – 39 phường Mai Dịch.

Theo giải thích của ông Cường, mùi ẩm mốc, khó chịu có trong nước máy chính là mùi clo dư bởi theo quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18.4.2002), trong nước lúc nào cũng phải đảm bảo một lượng clo dư từ 0,3 – 0,5mg/l. Tác dụng của lượng clo dư này sẽ là chất diệt trùng có trong nước, đề phòng trường hợp nước bị rò rỉ, nhiễm tạp chất thì chính lượng clo dư này sẽ tham gia quá trình ôxy hóa, diệt vi khuẩn.

Bên cạnh đó, việc thấy trong nước có mùi lạ cũng là do thói quen bởi người dân ở đây vẫn chưa quen sử dụng nguồn nước mặt thay cho nước ngầm, bởi Viwaco mới chuyển đường ống mới nên phải tăng lượng clo trong điều kiện cho phép lên cao để khử trùng, làm sạch, mà các hộ dân tại tổ 38 – 39 phường Mai Dịch là những người đầu tiên đón nhận nguồn nước này, nên việc nước có mùi khó chịu rất nặng trong những ngày đầu là điều bất khả kháng. Đặc biệt, mùi clo dư này có phản ứng khá mạnh với chè, nên khi pha, chè thường bị mất mùi hay đổi màu.

Để khắc phục tình trạng này, ông Cường cho biết hiện Viwaco đã điều chỉnh lượng clo dư ở mức thấp nhất có thể theo quy định (0,3mg/l) nên những mùi khó chịu trên đã giảm hẳn. Ngoài ra, để nước bay mất hoàn toàn mùi ẩm mốc, khó chịu, người dân có thể lấy nước vào bể hoặc thùng, chậu, để qua đêm là mùi clo dư này hoàn toàn sẽ biến mất.

Phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân):
Nước cũng có mùi tanh, hôi

Hiện người dân phường Thượng Đình rất bức xúc về tình trạng nước sạch bị bẩn, có nhiều đất, mùi hôi, tanh, khai… Theo chị Phạm Thị Hoàn – tổ 25: Chúng tôi chuyển sang dùng nước máy Sông Đà kể từ ngày 1.4 nhưng đến nay gia đình tôi không thể dùng nguồn nước này được nữa, vì nó quá bẩn, có mùi tanh, hôi… Mỗi lần đi làm về phải lại xin nước từ cơ quan để về nhà dùng, nhiều hôm không xin được đành phải đi mua nước đóng bình về sử dụng.

Theo bác Cao Thị Sơn – tổ trưởng tổ dân phố 26, phường Thượng Đình, tổ dân phố đã nhiều lần thông báo sự việc đến đơn vị chủ quản, trực tiếp phản ánh với nhân viên thu tiền nước về vấn đề này rồi, nhưng sự việc vẫn chưa tiến triển.

Những người dân tại khu vực này tha thiết đề nghị cơ quan chủ quản cung cấp nguồn nước sạch trên sớm có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng nước bẩn nêu trên để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Tiến Dũng

Iraq: Hơn 350 người nhập viện khẩn cấp vì nhiễm độc khí clo

Thứ hai, 19 Tháng ba 2007, 08:48 GMT+7

Ngày 17/3, 3 vụ tấn công bom bằng khí clo đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, 350 dân thường và 6 lính Mỹ phải nhập viện khẩn cấp do hít phải khí độc.

Ba kẻ đánh bom tự sát đã lái xe tải có gắn các thùng chứa khí độc Clo tấn công vào tỉnh Anbar có đông người Hồi giáo Sunni sinh sống, trong đó có văn phòng của lãnh đạo một bộ tộc Sunni chống lại al Qaeda.

Hai vụ tấn công xảy ra tại vùng Falluja và vụ thứ 3 gần Ramadi. Cả 2 khu vực này cũng được cho là chứa chấp các tay súng của al Qaeda.

Khí độc Clo có thể gây ra bỏng nặng cổ họng và phổi, thậm chí dẫn đến tử vong chỉ sau khi hít phải vài lần. Đây là loại hoá chất dễ kiếm vì thường được sử dụng rộng rãi trong việc tẩy sạch và lọc nước.

Các cuộc đột kích tại Anbar xảy ra chỉ 3 ngày sau khi Thủ tướng Iraq Nouri al Maliki – một tín đồ Hồi giáo dòng Shiite, tới khu vực này để yêu cầu các lãnh đạo bộ lạc Sunni hợp tác để chống lại lực lượng nổi dậy.

Tướng Roger Hollenbeck, chỉ huy một căn cứ quân đội liên minh gần Ramadi cho biết: “Gần 350 dân thường Iraq và 6 binh sĩ thuộc lực lượng liên minh đã phải điều trị vì hít phải khí độc, từ những vết bỏng nhẹ ở da cho tới nôn mửa và các triệu chứng bất thường ở phổi”.

Tháng trước, cũng đã có ít nhất 3 vụ đánh bom bằng khí Clo tại thủ đô Baghdad, trong đó một vụ xảy ra vào ngày 21/2 làm 5 người thiệt mạng và hơn 55 người phải vào viện khẩn cấp. Một ngày sau đó, một quả bom được bí mật gài kèm thùng chở Clo đã phát nổ gần Taji, cách thủ đô 12 dặm về phía bắc, làm 150 người bị thương.

H.B

Theo BBC, Reuter- Việt Báo

Clo trong nước máy TP.HCM: Nơi thừa, nơi thiếu

(Thứ Năm, 26/03/2009-10:20 AM)

Kết quả giám sát chất lượng nước của trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy hàm lượng clo trong nước sinh hoạt ở nhiều quận, huyện vẫn nằm ngoài tiêu chuẩn cho phép.

Không chỉ là mối nguy hiểm cho sức khoẻ, đây còn là một bất hợp lý khi người dân xài nước không sạch nhưng phải trả tiền theo giá nước sạch. Trong 4.507 mẫu nước mà trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM lấy trên hệ thống cung cấp nước của 19 quận, huyện để kiểm nghiệm trong năm 2008, có trên 220 mẫu không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn clo, độ đục và vi sinh.

Nước máy chưa an toàn

Nước có lượng clo cao hơn mức tối đa cho phép (0,5mg/lít) tập trung tại các quận đầu nguồn như quận 2, quận 9, quận 1,

quận 3, quận 5, quận 6, Thủ Đức… Read the rest of this entry

Trung Quốc: 164 người bị ngộ độc khí clo

Thứ hai, 10 Tháng bảy 2006, 14:47 GMT+7

164 người dân thành phố Yinchuan, nằm ở tây bắc Trung Quốc đã bị ngộ độc do hít phải khí clo bị rò rỉ từ một nhà máy hóa chất trong vùng.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 21h ngày hôm qua, chủ nhật 9/7. Tới sáng ngày hôm nay, nguồn rò rỉ khí clo đã được chặn lại.

Hiện những nạn nhân bị ngộ độc khí đã được cấp cứu tại bệnh viện thành phố. Tình trạng sức khỏe của các nạn nhân được đánh giá khá nguy kịch.

Theo lời giải thích của ban quản lý nhà máy hóa chất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rò rỉ lượng lớn khí clo độc hại trên là do ống vận chuyển khí đã bị ăn mòn từ lâu và ngày hôm qua, chúng đã bị vỡ.

Hiện vẫn chưa xác định được có bao nhiêu lượng clo đã bị lọt ra ngoài môi trường khu vực quanh đó và liệu ảnh hưởng của chúng tác động thế nào đối với sức khỏe những người dân nơi đây.

Mai Hoa  (Theo Lenta Việt Báo)