Category Archives: Amoniac-Muối amoni

Mùa đông và mùa thu vùng ôn đới

Mùa đông vùng ôn đới:


Vừa đun nóng nước (tốt nhất là nước cất) vừa hòa tan chì nitrat vào đó với tỉ lệ 25g muối chì trong 100ml nước. Sau đó tìm 1 bình thủy tinh đáy bằng và đặt xuống đáy vài hạt tinh thể nhỏ clorua amoni đặt cách xa nhau. Chờ cho dd muối chì nguội đi rồi rót dd vào bình đáy bằng. Trên các tinh thể clorua amoni mọc lên những cái kim trắng như tuyết (clorua chì):

Pb(NO3)2 + 2NH4Cl = PbCl2 + 2NH4NO3


Các kim phát triển khá nhanh lên phía trên, đồng thời sinh ra những cành nhánh. Các cảnh, nhánh dần dần đan xen vào nhau, và sau khoảng 1 giờ, 1 quang cảnh mùa đông lý thú xuất hiện trước mắt các bạn.

Mùa thu vùng ôn đới:


Lần này hãy đặt trên đáy một bình đáy phẳng 5, 6 hạt bicromat amoni. Hãy pha chế dd nitrat chì theo cách nêu trên, và khi dd nguội, rót dd vào bình đáy bằng. Sau 1 thời gian, do phản ứng giữa chì nitrat và bicromat amoni, trên những hạt của chất thứ hai xuất hiện những tinh thể hình kim cromat chì:


(NH4)2Cr2O7 + 2Pb(NO3)2 +H2O = 2PbCrO4 + 2NH4NO3 + 2HNO3


Các tinh thể hình kim này dần dần phát triển thành dạng ” vườn cây mùa thu ” lá vàng, sau vài ngày sẽ phát triển thành ” rừng cây ” tràn ngập toàn bộ bình.

Tạo ra màu hồng bằng nước lã

Hoá chất: dd NH3 đậm đặc, rượu etylic khan, phenolphtalein
Cách làm: Thêm vài mililit dd amoniac (NH3) đậm đặc (25%) và 2-3 giọt phenolphtalein vào cốc đựng 50 ml rượu etylic khan. Hỗn hợp không có màu.
Khi biểu diễn, bạn nhờ một khán giả nào đó múc một cốc nước lã để pha dần vào hỗn hợp trên. Khi đổ nước màu hồng xuất hiện và càng đổ thêm nước thì màu hồng càng trở nên đậm.
Giải thích: khi đổ thêm nước, NH3 sẽ tác dụng với nước theo phản ứng:


Ion OH- làm cho phenolphtalein chuyển sang màu hồng. Càng đổ thêm nước càng xuất hiện thêm nhiều ion OH-

Theo Những điều kỳ thú của hóa học-Nguyễn Xuân Trường

'Lời nguyền pharaoh' là chất độc trong mộ?


Câu chuyện “lời nguyền của xác ướp” làm xôn xao thế giới sau phát hiện năm 1922 về mộ của Hoàng đế Tutankhamun ở Ai Cập.

Lord Carnarvon, nhà tài trợ người Anh, đã chết ít lâu sau khi tham dự mở hầm mộ, làm dấy lên lời đồn đại rằng nguyên nhân sự việc là những thế lực siêu nhiên. Trong những năm gần đây, một giả thuyết khoa học về cái chết của Carnarvon đã được đưa ra. Phải chăng ông bị chết do tiếp xúc với những mầm bệnh độc hại từ hầm mộ bị đóng kín lâu ngày? Phải chăng chúng đã thử thách quá nhiều hệ miễn dịch của ông, vốn đã bị suy yếu do một căn bệnh kinh niên mà ông mắc phải trước khi tới Ai Cập. “Khi nghĩ về các hầm mộ Ai Cập, bạn sẽ thấy không chỉ có các xác chết, mà còn cả thực phẩm – thịt, rau, và hoa quả được mai táng trong hành trình đến với thế giới bên kia”, Jennifer Wegner, một nhà Ai Cập học tại Bảo tàng Đại học Pennsylvania ở Philadelphia cho biết. “Chắc chắn chúng thu hút côn trùng, vi khuẩn, mốc và những thứ tương tự như vậy. Những vật liệu thô như thế này nằm im ở đó đã hàng nghìn năm”. Các nghiên cứu gần đây trong phòng thí nghiệm đã tiết lộ rằng một vài xác ướp cổ đại quả thực bị mốc, trong đó chứa ít nhất hai loài nguy hiểm tiềm năng – Aspergillus niger và Aspergillus flavus. Những loại nấm mốc này có thể gây ra phản ứng dị ứng nhiều cấp độ, từ sung huyết đến chảy máu phổi. Chúng đặc biệt nguy hiểm đối với những người vốn có hệ miễn dịch kém. Một vài bức tường mộ có thể bị bao phủ bằng loại vi khuẩn phá hoại hệ hô hấp như Pseudomonas và Staphylococcus. Các nhà khoa học cũng tìm thấy khí amoniac, formaldehyde và H2S bên trong quách bịt kín. Ở nồng độ cao, chúng có thể gây bỏng mắt và mũi, làm xuất hiện các triệu chứng giống như viêm phổi và trong những trường hợp nặng, có thể gây chết người. Dơi trú ngụ trong nhiều ngôi mộ đã bị khai quật và phân của chúng mang theo những loại nấm có thể gây bệnh về đường hô hấp giống như bệnh cúm. Trong những điều kiện phù hợp, các tác nhân này có thể đủ độc lực để giết người. Tuy nhiên, các chuyên gia từng điều tra cái chết của Carnarvon tin rằng chất độc trong hầm mộ không liên quan đến cái chết của ông. Ông già Carnarvon từng bị ốm kinh niên trước khi đặt chân vào nơi yên nghỉ của vị hoàng đế. Thêm nữa, ông tử vong vài tháng sau lần tiếp xúc đầu tiên với ngôi mộ. Nếu ông đã tiếp xúc với các tác nhân sinh học ở đó, chúng sẽ phác tác sớm hơn. “Xem xét tình trạng vệ sinh vào thời điểm đó, đặc biệt ở Ai Cập, Lord Carnarvon dường như ở trong mộ còn an toàn hơn bên ngoài”, tiến sĩ F. DeWolfe Miller, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Hawaii ở Manoa nhận định. “Chúng tôi chưa từng biết đến dù chỉ là một trường hợp nhà khảo cổ hoặc khách du lịch nào bị bất kỳ tai họa gì (từ nấm mốc hoặc vi khuẩn trong mộ)”, Miller nói. “Trong những dự án khảo cổ mà tôi từng tham gia, chúng tôi nói chung không đeo mặt nạ hoặc các thiết bị chống độc”, bà giải thích. “Nếu có làm, đó là vì lo ngại hít thở phải bụi chứ không phải là nấm mốc”. “Nếu ai đó có hệ miễn dịch yếu, họ có thể muốn đeo thứ bảo vệ trong mộ, nhưng điều đó cũng xảy ra trong một nhà hàng hoặc bất kỳ nơi nào khác”. Mặc khác, dù nấm mốc và vi khuẩn có mặt trong những ngôi mộ Ai Cập, vẫn không dễ dàng gì để xác định đâu thực sự có nguồn gốc cổ đại. Ngoài ra, dù tất cả các tác nhân có hại này đều hiện diện, thì hầu hết các khu vực khảo cổ, trong đó có cả những ngôi mộ, đều đã được chứng minh là an toàn đối với các nhà khoa học cũng như du khách. Thực tế, lời nguyền thực sự của xác ướp có thể giáng xuống ngôi mộ, chứ không phải với khách du lịch hiện đại ngày nay. “Không thể đếm hết số ví dụ về những ngôi mộ bị con người đầu độc, hơn là các ngôi mộ đầu độc con người”, Miller lý giải. “Việc mở cửa các hầm mộ của những người háo hức muốn thực hiện một khám phá mà không suy nghĩ về phương án bảo tồn chúng có thể khiến cho ngôi mộ đối mặt với sự hư hại nghiêm trọng. Độ ẩm đã khiến cho mốc meo mọc lên trên tường, phá hủy các bức vẽ và những tạo vật khác. Đó là chưa kể những hư hại mà du khách mang tới.

Sưu tầm

TP.Hồ Chí Minh-Vỡ ống dẫn khí amoniac: Người dân "chịu trận" suốt 20 năm qua

Lao Động số 95 Ngày 04/05/2009 Cập nhật: 7:59 AM, 04/05/2009

(LĐ) – Đêm 2.5, người dân tổ 9, khu phố 4, xa lộ Hà Nội, P.An Phú, Q.2 lại một lần nữa phải tháo chạy khỏi nhà do khí amoniac (NH3) thoát ra từ Cty TNHH nước đá An Bình.

Khoảng 19 giờ 30 phút đêm 2.5, người dân khu phố 4, P.An Phú, Q.2 và cả người đi đường trên xa lộ Hà Nội – khi đi ngang qua Cty TNHH nước đá An Bình, số 512A xa lộ Hà Nội, P.An Phú, Q.2 (gần ngã ba Cát Lái) – đã phải liên tục gọi điện đến CS113 – Công an TPHCM, Sở Cảnh sát PCCC, Công an Q.2… để cầu cứu.

Nguyên nhân, các hộ dân tại tổ 9 vừa ăn cơm tối bỗng xộc vào đường hô hấp loại khí nặng mùi, gây cay mắt, khó thở, nôn ói, một số người đi đường khi đi ngang qua nhà máy nước đá này cũng bị ngất do hít phải luồng khí bốc ra. Nhiều người già, trẻ em – đặc biệt là phụ nữ có thai – đã phải bồng bế nhau chạy thoát xa khỏi nhà mình trong đêm, do luồng khí độc lần này thoát ra từ nhà máy nước đá quá lớn so với những lần trước.

PV Báo Lao Động có mặt tại hiện trường và không thể nào tiếp cận vào nhà máy nước đá do luồng khí quá nồng nặc, gây tức ngực và khó thở. Phải dùng khẩu trang tẩm ướt nước lã, chúng tôi mới vào đến trước nhà máy chứng kiến xe chữa cháy dùng vòi rồng phun nước để làm loãng khí độc, hàng chục công nhân nhà máy phải tìm nơi trú ẩn.

Tại hiện trường, nhiều người dân tụ tập trước nhà máy (nhưng đứng xa bên kia đường) phản ánh với PV báo chí, nhà máy nước đá này hoạt động trong khu dân cư suốt 20 năm qua và đã hàng trăm lần làm thoát khí độc. Cứ mỗi lần nhà máy để thoát khí NH3 ra bên ngoài là cuộc sống người dân đảo lộn tứ tung. Người dân đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền địa phương, song tất cả đều rơi vào im lặng.

Theo điều tra ban đầu của công an, vào đêm 2.5, luồng khí toả ra bên ngoài nhà máy nước đá là do đường ống dẫn khí bị vỡ. Mặc dù được xử lý ngay sau khi sự cố xảy ra, nhưng do áp lực nén rất lớn dẫn đến một lượng khí NH3 thoát ra bên ngoài quá nhiều, khiến khu dân cư và người đi đường hít phải kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. Cũng theo phản ánh của người dân, nhà máy này có tháng đã 3 lần làm thoát khí độc ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

  • Phùng Bắc

Nước giếng khoan ở Hà Nội: Những mẫu thử kinh hoàng

Thứ Sáu, 13/03/2009 – 5:07 PM

Các mẫu nước thử ở quận Hoàng Mai, Định Công hay huyện Từ Liêm (Hà Nội) đều cho kết quả nhiễm nặng asen và amoni, có khả năng gây ung thư cao, thậm chí làm rối loạn gene và sinh tổng hợp ADN…

Hàng nghìn người dân dùng nước nhiễm amoni

Sáng 12/3, tại gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (số 4, hẻm 112/15/20, phố Định Công, quận Hoàng Mai), Tiến sĩ Trần Văn Nhị trực tiếp lấy mẫu nước ở bể chứa nước ăn, sau đó nhỏ vài giọt dung dịch thử phản ứng hoá học. Chưa đầy một phút, ống nước đang trong vắt lập tức chuyển sang màu vàng vẩn đục.

Trước kết quả này, tiến sĩ Nhị khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni (chất được phân huỷ từ các loại chất thải) rất nghiêm trọng. Thông thường, nếu nước bị nhiễm với tỉ lệ thấp thì vài phút sau mới xảy ra phản ứng hoá học. Test thử này gần như lập tức xảy ra phản ứng hoá học vì tỉ lệ nhiễm amoni quá cao”.

Sau đó, ông Nhị tiếp tục đến một số hộ gia đình khác ở tổ 4, tổ 5… trên địa bàn phường Định Công, các mẫu nước khi lấy làm các test thử đều đã được lọc qua bể cát, sỏi nên trong vắt. Nhưng tất cả các mẫu nước đó đều lập tức chuyển màu vàng, lẩn vẩn đục sau khi được nhỏ vài giọt dung dịch hoá học. Hiện hơn 3 vạn dân phường Định Công đang phải dùng nguồn nước như thế này.

Tại gia đình ông Nguyễn Văn Chung ở Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) có hẳn một bể lớn chứa tới 3 khối cát vàng, 2 xe cải tiến sỏi để lọc nước giếng khoan. Trước khi được bơm vào bể cát, nước từ giếng khoan được bơm lên một bể chứa khác, để chừng 1 ngày cho lắng hết bùn đất. Qua hai lần xử lý nên bể chứa nước sạch  phía dưới trong vắt, không một chút vẩn hay màu lạ.

TS. Trần Văn Nhị lấy mẫu nước đã qua lọc này cho vào hai lọ khác nhau. Lọ nước thứ nhất, sau khi nhỏ vài giọt hoá chất để thử phản ứng phát hiện amoni thì 50 giây sau, lọ nước đang trong vắt lập tức chuyển sang mầu vàng đục. Lọ nước thứ hai được nhỏ vài giọt hoá chất để thử phản ứng xem có nitrit hay không (chất có khả năng gây ung thư và bệnh hô hấp ở trẻ em). Phản ứng của lọ nước thứ hai này chậm hơn lọ nước thứ nhất chừng một phút, sau đó nước đang trong cũng chuyển sang mầu tím sẫm.

TS. Trần Văn Nhị khẳng định: “Nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni rất nặng, thậm chí đã chuyển hoá thành nitrit độc hại. Lọ mầu vàng đục là biểu hiện nước bị nhiễm amoni, lọ nước mầu tím biểu hiện nước nhiễm nitrit với tỉ lệ quá cao. Nếu tỉ lệ nhiễm thấp thì lọ nước chỉ có mầu hồng nhạt chứ không sẫm như thế này”.

Sau đó, TS Trần Văn Nhị và nhóm cộng sự của ông tiếp tục lấy mẫu nước tại khu vực Nhổn, Tây Mỗ (huyện Từ Liêm); khu vực dân cư trên đường 6 Hà Đông; khu vực Ba La – Bông Đỏ và một số gia đình tại xã Minh Khai dọc sông Đáy (Hà Đông)… Các test thử ở một loạt khu vực dân cư trên đều cho kết quả tương tự.

Khi amoni, asen hoá “tử thần”

Chất amoni có trong nước sẽ cực kỳ nguy hiểm, vì khi gặp không khí sẽ chuyển hoá thành chất có khả năng gây bệnh ung thư. “Thậm chí, khi ăn vào cơ thể, amoni sẽ kết hợp với chất có trong dạ dày tạo thành chất mới gây nguy cơ ung thư rất cao”, TS Nhị cho biết.

Nhiều người quan niệm rằng, khi đun sôi sẽ tiêu diệt được hết các chất độc trong nước. Tuy nhiên, TS Nhị khuyến cáo, việc đun sôi không những không làm giảm lượng độc tố mà trái lại, dưới tác động của nhiệt độ, những độc tố trên còn chuyển sang một dạng mới nguy hiểm hơn nhiều.

Theo quyết định số 63/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng phát triển cấp nước đô thị quốc gia thì đến năm 2020, phấn đấu 100% dân số đô thị được cấp nước sạch với tiêu chuẩn 120 – 150 lít/người/ngày.

Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, phấn đấu đạt 180 – 200 lít/người/ngày.

Theo tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, giới hạn hàm lượng amoni phải dưới 1,5mg/lít. Tuy nhiên, tại các vùng dân cư mà tiến sĩ Nhị tiến hành các test thử nghiệm, hàm lượng amoni đều vượt ngưỡng cho phép gấp nhiều lần. Nước nhiễm amoni còn đặc biệt nguy hiểm cho người sử dụng vì khi nước đã nhiễm chất này, chúng có thể chuyển hoá thành nitrit bất kỳ lúc nào. Và nước đã nhiễm nitrit thì cũng có thể chuyển hoá trở lại thành nước nhiễm amoni. Do đó, không thể biết thời điểm các chất chuyển hoá để phòng tránh.

Theo lời khuyên của ông Nhị, những người dân ở đây tuyệt đối không nên dùng nguồn nước giếng khoan để ăn uống. Được biết, “ông già ôzôn” Nguyễn Văn Khải trước đó cũng từng nhiều lần tiến hành làm xét nghiệm mẫu nước giếng khoan ở khu dân cư phường Định Công và đều cho kết quả nguồn nước bị nhiễm sắt, nhiễm amoni, thạch tín… nghiêm trọng.

“Không chỉ vậy, nguồn nước sinh hoạt, ăn uống ở tất cả các vùng dân cư trên đều bị nhiễm độc asen (thạch tín)”, tiến sĩ Nhị cho biết. Tiêu chuẩn cho phép đối với chất này chỉ là 10 microgam/lít, nhưng thực tế kết quả thử nghiệm đều trên 40 microgam/lít.

Có nơi, hàm lượng nhiễm asen lên tới 75 microgam/lít. Việc tiếp xúc lâu dài với asen rất dễ gây ung thư da, ung thư phổi, bàng quang… Thậm chí làm rối loạn gene và sinh tổng hợp ADN. Người uống nước nhiễm asen lâu ngày còn có các triệu chứng xuất hiện các đốm màu sẫm trên cơ thể, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân.

  • Theo Lã Xưa
  • Gia đình & Xã hội

Cà Mau:Hàng trăm người dân hoảng loạn vì khí amoniac

Thứ Năm, 14/08/2008 – 4:15 PM

Khoảng 17h20 ngày 13/8, hàng trăm người dân ở khóm 3, phường 4, TP Cà Mau bất ngờ ngửi phải mùi khí amoniac nồng nặc.

Ông Đổng Đình Niệm, cán bộ tự quản của khóm 3, khóm 4 – TP Cà Mau cho biết, mùi khí hôi này là do hệ thống cung cấp khí amoniac của nhà máy sản xuất nước đá Thịnh Lợi bị rò rỉ. Sự cố đã làm cho nhiều người già, phụ nữ và trẻ em bị cay mắt, khó thở.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng Công an phường 4 – TP Cà Mau đã kịp thời có mặt để phối hợp cùng công nhân nhà máy khóa tất cả các van cung cấp khí. Cơ quan chức năng cũng đã cùng đại diện tổ tự quản tiến hành lập biên bản ghi nhận sự cố với sự có mặt của quản đốc nhà máy sản xuất nước đá Thịnh Lợi là ông Phùng Thanh Ngoan.

Theo Công an phường 4, vài tháng trước nhà máy sản xuất nước đá này đã từng gây hoảng loạn cho người dân khi khí amoniac rò rỉ làm cây cỏ xung quanh bị héo khô, nhiều gia đình phải đóng cửa nhà bồng bế trẻ em bỏ chạy. Sau sự cố này, hệ thống cung cấp khí amoniac của Nhà máy sản xuất nước đá Thịnh Lợi đã được sửa chữa. Nhưng chiều qua, một lần nữa người dân phải một phen hoảng loạn.

Người dân ở đây lo lắng nhất là trong khu vực này không chỉ đông dân cư mà còn có một trường học nên nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng tìm biện pháp di dời nhà máy sản xuất nước đá đi nơi khác, nhưng vẫn không thấy hồi âm.

  • Theo Hàn Sơn Đỉnh
  • VietNamnet

Bản chất và tác hại của Amoni

Hà Nội Mới – 14/03/2005

Thuật ngữ Amoni bao gồm cả 2 dạng: không ion hoá (NH3) và ion hoá (NH4). Amoni có mặt trong môi trường có nguồn tốc từ các quá trình chuyển hoá, nông nghiệp, công nghiệp và từ sự khử trùng nước bằng cloramin. Lượng Amoni tự nhiên ở trong nước bề mặt và nước ngầm thường thấp hơn 0,2mg/lít. Các nguồn nước hiếm khí có thể có nồng độ Amoni lên đến 3mg/lít.

Việc chăn nuôi gia súc quy mô lớn có thể làm gia tăng ượng Amoni trong nước mặt. Sự nhiễm bẩn Amoni có thể tăng lên do các đoạn nối ống bằng vữa ximăng. Amoni trong nước là một chỉ danh ô nhiễm do chất thải động vật, nước cống và khả năng nhiễm khuẩn. Khi hàm lượng Amoni trong nước ăn uống cao hơn tiêu chuẩn cho phép chứng tỏ nguồn nước đã bị ô nhiễm bởi chất thải động vật, nước cống và có khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn, kể cả vi khuẩn gây bệnh.

Lượng Amoni trong môi trường so với sự tổng hợp bên trong cơ thể là không đáng kể. Tác hại của nó chỉ xuất hiện khi tiếp xúc với liều lượng khoảng trên 200mg/kg thể trọng.

Tiêu chuẩn về Amoni trong nước được xây dựng không phải vì tác hại của nó đến sức khoẻ nên không có hướng dẫn dựa trên cơ sở sức khoẻ. Tuy vậy, Amoni làm hại cho quá trình khử trùng nước, nó tạo ra nitrit trong hệ thống phân phối, làm hại quá trình tách loại mangan và gây mùi vị lạ.

Với những lý do trên đây, Amoni được xếp vào nhóm các chỉ tiêu cảm quan (được đánh dấu bằng chữ a trong bảng tiêu chuẩn theo quyết định 1329/2002/BYT-QĐ của Bộ Y tế). Khi Amoni trong nước ăn uống vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì chưa ảnh hưởng lắm tới sức khoẻ nhưng đó là dấu hiệu cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải có nguồn gốc động vật và có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh.

  • HNM