Category Archives: Hg-Thủy ngân

Xử lý thuỷ ngân khi vỡ nhiệt kế

(04/04/2008 15:04:13)

Khi cặp nhiệt độ bị vỡ thủy ngân sẽ trôi ra sàn nhà và không dễ gì hớt lên được. Liệu bạn có biết rằng thủy ngân là một chất độc cực mạnh?
Đúng vậy thủy ngân là chất độc chết người. Nếu chẳng may bé nhà bạn mà nuốt phải “quả bóng nhỏ màu đỏ” ấy thì thật là tai họa. Giả sử trường hợp ấy xảy ra bạn cần giúp bé nôn ra ngay và đưa vào bệnh viện khẩn cấp. Còn trong lúc chờ đợi xe cấp cứu thì hãy uống thật nhiều nước.
Rất may là trường hợp trên cực kỳ hy hữu. Đôi khi chất lỏng rơi ra từ nhiệt kế khiến mọi người tò mò nhiều hơn là đề phòng. Người ta có thể sờ mó “quả bóng” nhỏ xíu tròn trịa lăn và thích thú với việc nó dễ dàng chia ra làm nhiều hạt nhỏ. Thực ra các hạt nhỏ đó có thể tan ra thành khí độc đó làm hại phổi. Chất thủy ngân dễ dàng liên kết với chất béo trong máu và mô khiến nội tạng của con người bị ảnh hưởng, đặc biệt là hệ thần kinh. Chất lỏng này còn có thể xuyên qua cuống nhau để lọt vào tử cung.
Vậy thì nên làm gì với thủy ngân? Tất nhiên là phải dọn sạch rồi, mà phải dọn kỹ, nhanh, và đúng cách.

Chuẩn bị: Ngay sau khi thủy ngân chảy ra từ nhiệt kế, bạn hãy cấp tốc đưa trẻ nhỏ và súc vật ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Và bạn cũng không nên đi lại quanh khu vực đó, để không dây chất lỏng ra khắp nhà. Hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào – điều này sẽ khiến thủy ngân khó tan trong không khí. Tuyệt đối không được để gió lùa. Tại nơi thủy ngân rơi ra, cần dùng đèn chiếu sáng từ phía bên lại. Khi mọi hạt nhỏ hiện rõ, ta có thể bắt tay vào thu dọn. Chú ý đeo găng tay và không để cho giọt thủy ngân tiếp xúc với da tay.

Thu dọn: Tuyệt đối không được dùng máy hút bụi để thu dọn thủy ngân! Ta thu gom các hạt thủy ngân bằng chổi lông mềm và dùng giấy mềm hót như xẻng. Hoặc có thể dùng giấy thấm hoặc dụng cụ y tế. Nhưng phải rất khéo tay vừa hót vừa đỡ, nếu không giọt thủy ngân sẽ rơi ra ngoài. Nếu thủy ngân vỡ thành hạt nhỏ, bạn có thể lấy giấy báo, ngâm với nước và vắt khô. Thủy ngân được thu gom bởi cách nào đi nữa thì cũng phải cho vào hộp đậy nắp kín.

Sau từ 1-2 tiếng có thể bắt tay vào lau dọn nền nhà. Trước hết hãy rửa sạch vùng bị bẩn bằng nước xà phòng, sau đó lau sạch. Quần áocần ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút, sau đó ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70-80 độ. Nếu có điều kiện nên ngâm tiếp 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh.

Thông gió: Chất thủy ngân khi tiếp xúc với nhiệt độ trong phòng thường lan tỏa và không khí trong toàn bộ khu vực đó bị ô nhiễm. Vì vậy sau khi đã thu dọn, bạn cần thông gió cho căn phòng. Cần mở cửa thoáng trong vòng vài giờ liền.

Sau hàng loạt các công tác đẩy lùi chất độc, bạn cần uống thật nhiều nước vì ta có thể đào thải chất độc thủy ngân qua đường thận. Bạn cũng nên ăn thật nhiều hoa quả tươi.

Chỉ cần vài động tác đơn giản như trên là bạn đã diệt được nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Tuy nhiên nếu bạn vẫn bị nhức đầu, buồn nôn, đau họng và sốt thì bạn đã bị ngộ độc rồi đấy. Trong trường hợp đó hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế bởi chỉ có bác sĩ mới giúp được bạn thôi!
Theo Tạp chí Mẹ và bé

Thủy ngân

Thủy ngân, là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn có ký hiệu Hg (từ tiếng Hy Lạp hydrargyrum, tức là thủy ngân (hay nước bạc)) và số nguyên tử 80. Là một kim loại chuyển tiếp nặng có ánh bạc, thủy ngân là một nguyên tố kim loại được biết có dạng lỏng ở nhiệt độ thường. Thủy ngân được sử dụng trong các nhiệt kế, áp kế và các thiết bị khoa học khác. Thủy ngân thu được chủ yếu bằng phương pháp khử khoáng chất thần sa.

  • Thuộc tính

Thủy ngân có tính dẫn nhiệt kém nhưng dẫn điện tốt.

Thủy ngân tạo ra hợp kim với phần lớn các kim loại, bao gồm vàng, nhôm và bạc, đồng nhưng không tạo với sắt. Do đó, người ta có thể chứa thủy ngân trong bình bằng sắt. Telua cũng tạo ra hợp kim, nhưng nó phản ứng rất chậm để tạo ra telurua thủy ngân. Hợp kim của thủy ngân được gọi là hỗn hống.

Kim loại này có hệ số nở nhiệt là hằng số khi ở trạng thái lỏng, hoạt động hóa học kém kẽm và cadmium. Trạng thái ôxi hóa phổ biến của nó là +1 và +2. Rất ít hợp chất trong đó thủy ngân có hóa trị +3 tồn tại.

Thủy ngân rất độc, có thể gây chết người khi bị nhiễm độc qua đường hô hấp.

  • Ứng dụng

Thủy ngân được sử dụng chủ yếu trong sản xuất các hóa chất,trong kỹ thuật điện và điện tử. Nó cũng được sử dụng trong một số nhiệt kế. Các ứng dụng khác là:

* Máy đo huyết áp chứa thủy ngân (đã bị cấm ở một số nơi).
* Thimerosal, một hợp chất hữu cơ được sử dụng như là chất khử trùng trong vaccin và mực xăm (Thimerosal in vaccines).
* Phong vũ kế thủy ngân, bơm khuyếch tán, tích điện kế thủy ngân và nhiều thiết bị phòng thí nghiệm khác. Là một chất lỏng với tỷ trọng rất cao, Hg được sử dụng để làm kín các chi tiết chuyển động của máy khuấy dùng trong kỹ thuật hóa học.
* Điểm ba trạng thái của thủy ngân, -38,8344 °C, là điểm cố định được sử dụng như nhiệt độ tiêu chuẩn cho thang đo nhiệt độ quốc tế (ITS-90).
* Trong một số đèn điện tử.
* Hơi thủy ngân được sử dụng trong đèn hơi thủy ngân và một số đèn kiểu “đèn huỳnh quang” cho các mục đích quảng cáo. Màu sắc của các loại đèn này phụ thuộc vào khí nạp vào bóng.
* Thủy ngân được sử dụng tách vàng và bạc trong các quặng sa khoáng.
* Thủy ngân vẫn còn được sử dụng trong một số nền văn hóa cho các mục đích y học dân tộc và nghi lễ. Ngày xưa, để chữa bệnh tắc ruột, người ta cho bệnh nhân uống thủy ngân lỏng (100-200 g). Ở trạng thái kim loại không phân tán, thủy ngân không độc và có tỷ trọng lớn nên sẽ chảy trong hệ thống tiêu hóa và giúp thông ruột cho bệnh nhân.

Các sử dụng linh tinh khác: chuyển mach điện bằng thủy ngân, điện phân với cathode thủy ngân để sản xuất NaOH và clo, các điện cực trong một số dạng thiết bị điện tử, pin và chất xúc tác, thuốc diệt cỏ (ngừng sử dụng năm 1995), thuốc trừ sâu, hỗn hống nha khoa, pha chế thuốc và kính thiên văn gương lỏng.

  • Lịch sử

Biểu tượng của thủy ngân

Người Trung Quốc và Hindu cổ đại đã biết tới thủy ngân và nó được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ Ai Cập có niên đại vào khoảng năm 1500 TCN. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Tạng, việc sử dụng thủy ngân được cho là kéo dài tuổi thọ, chữa lành chỗ gãy và duy trì một sức khỏe tốt. Người Hy Lạp cổ đại sử dụng thủy ngân trong thuốc mỡ và người La Mã sử dụng nó trong mỹ phẩm. Vào khoảng năm 500 TCN thủy ngân đã được sử dụng để tạo các hỗn hống với các kim loại khác.

Từ Rassayana trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là giả kim thuật còn có nghĩa là ‘con đường của thủy ngân’ Các nhà giả kim thuật thông thường nghĩ rằng thủy ngân là vật chất khởi đầu để các kim loại khác được tạo ra. Các kim loại khác nhau có thể được sản xuất bởi các lượng và chất khác nhau của lưu huỳnh chứa trong thủy ngân. Khả năng chuyển thủy ngân thành kim loại khác phụ thuộc vào “chất lượng thủy ngân thiết yếu” của các kim loại. Tinh khiết nhất trong số đó là vàng, và thủy ngân là thiết yếu để biến đổi của các kim loại gốc (hay không tinh khiết) thành vàng. Đây là nguyên lý và mục đích cơ bản của giả kim thuật, xét cả về phương diện tinh thần hay vật chất.

Hg là ký hiệu hóa học ngày nay cho thủy ngân. Nó là viết tắt của Hydrargyrum, từ Latinh hóa của từ Hy Lạp Hydrargyros, là tổ hợp của 2 từ ‘nước’ và ‘bạc’ — vì nó lỏng giống như nước, và có ánh kim giống như bạc. Trong ngôn ngữ châu Âu, nguyên tố này được đặt tên là Mercury, lấy theo tên của thần Mercury của người La Mã, được biết đến với tính linh động và tốc độ. Biểu tượng giả kim thuật của nguyên tố này cũng là biểu tượng chiêm tinh học cho Thủy Tinh.

Từ giữa thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, một công nghệ gọi là “carroting” được sử dụng trong sản xuất mũ phớt. Da động vật được ngâm vào trong dung dịch màu da cam của hợp chất nitrat thủy ngân, Hg(NO3)2•2H2O. Công nghệ này tách lông ra khỏi con da và cuộn chúng lại với nhau. Dung dịch này và hơi của nó rất độc. Việc sử dụng chất này đã làm cho một loạt các nhà sản xuất mũ ngộ độc thủy ngân. Triệu chứng của nó là run tay chân, dễ xúc cảm, mất ngủ, hay quên và ảo giác. Tháng 12 năm 1941, Dịch vụ sức khỏe cộng đồng Mỹ đã cấm sử dụng thủy thủy ngân trong sản xuất mũ.
Nha khoa

Thủy ngân nguyên tố là thành phần chính trong hỗn hống nha khoa. Tranh luận xung quanh các ảnh hưởng sức khỏe từ việc sử dụng hỗn hống thủy ngân bắt đầu kể từ khi nó được đưa vào sử dụng ở phương Tây, khoảng 200 năm trước. Năm 1843, Hiệp hội các nha sĩ Mỹ, lo ngại về ngộ độc thủy ngân, đã yêu cầu các thành viên ký cam kết bảo đảm không sử dụng hỗn hống. Năm 1859, Hiệp hội nha khoa Mỹ (ADA) đã được các nha sĩ (tin rằng hỗn hống là an toàn và hiệu quả) thành lập. ADA, “tiếp tục tin rằng hỗn hống là lựa chọn có giá trị, an toàn đối với các bệnh nhân nha khoa” như đã viết ra trong tuyên bố về hỗn hống nha khoa của họ. Năm 1993, Dịch vụ sức khỏe cộng đồng Mỹ báo cáo rằng “việc bơm hỗn hống giải phóng một lượng nhỏ hơi thủy ngân”, nhưng nhỏ tới mức nó “không chỉ ra to các hiệu ứng bất lợi cho sức khỏe nào”. Năm 2002, California trở thành bang đầu tiên cấm sử dụng việc bơm hỗn hống trong tương lai(có hiệu lực từ năm 2006). Cho đến thời điểm năm 2005, tranh cãi xung quanh hỗn hống nha khoa vẫn còn tiếp diễn.
Y tế

Thủy ngân đã được sử dụng để chữa bệnh trong hàng thế kỷ. Clorua thủy ngân (I) và clorua thủy ngân (II) là những hợp chất phổ biến nhất. Thủy ngân được đưa vào điều trị giang mai sớm nhất vào thế kỷ 16, trước khi có các chất kháng sinh. “Blue mass”, viên thuốc nhỏ chứa thủy ngân, đã được kê đơn trong suốt thế kỷ 19 đối với hàng loạt các triệu chứng bệnh như táo bón, trầm cảm, sinh đẻ và đau răng (National Geographic). Trong đầu thế kỷ 20, thủy ngân được cấp phát cho trẻ em hàng năm như là thuốc nhuận tràng và tẩy giun. Nó là bột ngậm cho trẻ em và một số vacxin có chứa chất bảo quản Thimerosal (một phần là etyl thủy ngân) kể từ những năm 1930 (Báo cáo của FDA). Clorua thủy ngân (II) là chất tẩy trùng đối với các bác sĩ, bệnh nhân và thiết bị.

Thuốc và các thiết bị chứa thủy ngân tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mặc dù chúng đã được sử dụng rộng rãi trong quá khứ. Nhiệt kế và huyết áp kế chứa thủy ngân đã được phát minh trong thế kỷ 18 và 19, trong đầu thế kỷ 21, việc sử dụng chúng đã giảm và bị cấm ở một số quốc gia, khu vực và trường đại học. Năm 2002, Thượng viện Mỹ đã thông qua sắc luật cấm bán nhiệt kế thủy ngân không theo đơn thuốc. Năm 2003, Washington và Maine trở thành các bang đầu tiên cấm các thiết bị đo huyết áp có chứa thủy ngân (HCWH News release). Năm 2005, các hợp chất thủy ngân được tìm thấy ở một số dược phẩm quá mức cho phép, ví dụ các chất tẩy trùng cục bộ, thuốc nhuận tràng, thuốc mỡ trên tã chống hăm, các thuốc nhỏ mắt hay xịt mũi. Cục quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) có “dữ liệu không đủ để thiết lập sự thừa nhận chung về tính an toàn và hiệu quả” của thành phần thủy ngân trong các sản phẩm này (Code of federal regulations).

  • Phổ biến

Quặng thủy ngân

Là một nguyên tố hiếm trong vỏ Trái Đất, thủy ngân được tìm thấy hoặc như là kim loại tự nhiên (hiếm thấy) hay trong chu sa, corderoit, livingstonit và các khoáng chất khác với chu sa (HgS) là quặng phổ biến nhất. Khoảng 50% sự cung cấp toàn cầu đến từ Tây Ban Nha và Ý, và phần lớn số còn lại từ Slovenia, Nga và Bắc Mỹ. Kim loại thu được bằng cách đốt nóng chu sa trong luồng không khí và làm lạnh hơi thoát ra.
[sửa] Hợp chất

Các muối quan trọng nhất là:

* Clorua thủy ngân (I) (calomen và đôi khi vẫn được sử dụng trong y học).
* Clorua thủy ngân (II) (là một chất có tính ăn mòn mạnh, thăng hoa và là chất độc cực mạnh)
* Fulminat thủy ngân, (ngòi nổ sử dụng rộng rãi trong thuốc nổ),
* Sulfua thủy ngân (II) (màu đỏ thần sa là chất màu chất lượng cao),
* Selenua thủy ngân (II) chất bán dẫn,
* Telurua thủy ngân (II) chất bán dẫn và
* Telurua cadmi thủy ngân là những vật liệu dùng làm đầu dò tia hồng ngoại.

Các hợp chất hữu cơ của thủy ngân cũng là quan trọng. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy sự phóng điện làm cho các khí trơ kết hợp với hơi thủy ngân. Các hợp chất này được tạo ra bởi các lực van der Waals và kết quả là các hợp chất như HgNe, HgAr, HgKr và HgXe. Methyl thủy ngân là hợp chất rất độc, là chất gây ô nhiễm thủy sinh vật.

  • Đồng vị

Có 7 đồng vị ổn định của thủy ngân với Hg202 là phổ biến nhất (29,86%). Các đồng vị phóng xạ bền nhất là Hg194 với chu kỳ bán rã 444 năm, và Hg203 với chu kỳ bán rã 46,612 ngày. Phần lớn các đồng vị phóng xạ còn lại có chu kỳ bán rã nhỏ hơn 1 ngày.

  • Vấn đề môi trường

Lượng thủy ngân trong khí quyển ở sông băng Fremont trong 270 năm qua.

Tỷ lệ lắng đọng của thủy ngân trước thời kỳ công nghiệp từ khí quyển có thể nằm trong khoảng 4 ng/L ở miền tây nước Mỹ. Mặc dù có thể coi nó như là mức phơi nhiễm tự nhiên, nhưng nó có ảnh hưởng đáng kể. Sự phun trào núi lửa có thể tăng nồng độ trong khí quyển từ 4–6 lần. [1]

Thủy ngân đi vào môi trường như một chất gây ô nhiễm từ các ngành công nghiệp khác nhau:

* Các xí nghiệp sử dụng than làm nhiên liệu là nguồn lớn nhất (40% trong khí thải của Mỹ năm 1999, tuy nhiên đã giảm khoảng 85%). [2]
* Các công nghệ trong công nghiệp:
o Sản xuất clo, thép, phốtphat & vàng
o Luyện kim
o Sản xuất & sửa chữa các thiết bị điện tử
o Việc đốt hay vùi lấp các chất thải đô thị
* Các ứng dụng y học, kể cả trong quá trình sản xuất và bảo quản vacxin.
o Nha khoa
o Công nghiệp mỹ phẩm
* Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm liên quan đến các hợp chất của thủy ngân và lưu huỳnh.

Thủy ngân cũng đi vào môi trường theo đường xử lý một số sản phẩm nào đó. Các sản phẩm có chứa thủy ngân bao gồm: các bộ phận của ô tô, pin, đèn huỳnh quang, các sản phẩm y tế, nhiệt kế và máy điều nhiệt.[3]. Vì các vấn đề liên quan tới sức khỏe (xem dưới đây), các cố gắng giảm sử dụng các chất độc là cắt giảm hoặc loại bỏ thủy ngân trong các sản phẩm đó. Ví dụ, phần lớn các nhiệt kế sử dụng rượu nhuộm màu thay cho thủy ngân. Các nhiệt kế thủy ngân thỉnh thoảng vẫn được sử dụng trong y khoa hay các ứng dụng khoa học do chúng có độ chính xác cao hơn của nhiệt kế rượu và có khoảng đo cao hơn, mặc dù cả hai đang được thay thế dần bằng các nhiệt kế điện tử.

Một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử là thải các hợp chất thủy ngân vào vịnh Minamata, Nhật Bản. Tập đoàn Chisso, một nhà sản xuất phân hóa học và sau này là công ty hóa dầu, đã bị phát hiện là chịu trách nhiệm cho việc gây ô nhiễm vịnh này từ năm 1932 đến 1968. Người ta ước tính rằng trên 3.000 người đã có những khuyết tật nào đó hay có triệu chứng ngộ độc thủy ngân nặng nề hoặc đã chết vì ngộ độc nó, từ đó nó trở thành nổi tiếng với tên gọi thảm họa Minamata.

  • Các hiệu ứng sức khỏe & môi trường

Thủy ngân nguyên tố lỏng là ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó là rất độc và là nguyên nhân gây ra các tổn thương não và gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Nguy hiểm chính liên quan đến thủy ngân nguyên tố là ở STP, thủy ngân có xu hướng bị ôxi hóa tạo ra Ôxít thủy ngân – khi bị rớt xuống hay bị làm nhiễu loạn, thủy ngân sẽ tạo thành các hạt rất nhỏ, làm tăng diện tích tiếp xúc bề mặt một cách khủng khiếp.

Thủy ngân là chất độc tích lũy sinh học rất dễ dàng hấp thụ qua da, các cơ quan hô hấp và tiêu hóa. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật.

Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, là độc đến đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong. Một trong những mục tiêu chính của các chất độc này là enzym pyruvat dehiđrôgenat (PDH). Enzym bị ức chế hoàn toàn bởi một vài hợp chất của thủy ngân, thành phần gốc axít lipoic của phức hợp đa enzym liên kết với các hợp chất đó rất bền và vì thế PDH bị ức chế.

Chứng bệnh Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân. Thủy ngân tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết và ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm và răng. Sự phơi nhiễm kéo dài gây ra các tổn thương não và gây tử vong. Nó có thể gây ra các rủi ro hay khuyết tật đối với các thai nhi. Không khí ở nhiệt độ phòng có thể bão hòa hơi thủy ngân cao hơn nhiều lần so với mức cho phép, cho dù nhiệt độ sôi của thủy ngân là không thấp.

Thông qua quá trình tích lũy sinh học mêtyl thủy ngân nằm trong chuỗi thức ăn, đạt đến mức tích lũy cao trong một số loài như cá ngừ. Sự ngộ độc thủy ngân đối với con người là kết quả của việc tiêu thụ lâu dài một số loại lương thực, thực phẩm nào đó. Các loài cá lớn như cá ngừ hay cá kiếm thông thường chứa nhiều thủy ngân hơn các loài cá nhỏ, do thủy ngân tích lũy tăng dần theo chuỗi thức ăn.

Các nguồn nước tích lũy thủy ngân thông qua quá trình xói mòn của các khoáng chất hay trầm tích từ khí quyển. Thực vật hấp thụ thủy ngân khi ẩm ướt nhưng có thể thải ra trong không khí khô [4]. Thực vật và các trầm tích trong than có các nồng độ thủy ngân dao động mạnh.

Êtyl thủy ngân là sản phẩm phân rã từ chất chống khuẩn thimerosal và có hiệu ứng tương tự nhưng không đồng nhất với mêtyl thủy ngân.

  • Cảnh báo & Quy định

Thủy ngân cần được tiếp xúc một cách cực kỳ cẩn thận. Các đồ chứa thủy ngân phải đậy nắp chặt chẽ để tránh rò rỉ và bay hơi. Việc đốt nóng thủy ngân hay các hợp chất của nó phải tiến hành trong điều kiện thông gió tốt và người thực hiện phải đội mũ có bộ lọc khí. Ngoài ra, một số ôxít có thể bị phân tích thành thủy ngân, nó có thể bay hơi ngay lập tức mà không để lại dấu vết.

Vì các ảnh hưởng tới sức khỏe trong phơi nhiễm thủy ngân, các ứng dụng thương mại và công nghiệp nói chung được điều tiết ở các nước công nghiệp. Tổ chức y tế thế giới (WHO), OSHA và NIOSH đều thống nhất rằng thủy ngân là nguy hiểm nghề nghiệp và đã thiết lập các giới hạn cụ thể cho các phơi nhiễm nghề nghiệp. Ở Mỹ, giới hạn thải ra môi trường được EPA quy định.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Những vụ án thủy ngân

Người Trung Quốc, Ấn Độ xa xưa cho rằng thuỷ ngân là thần dược giúp trường sinh bất lão. Người La Mã sử dụng chất lỏng lấp lánh này để chế mỹ phẩm. Vì thế, thủy ngân có “cơ hội” trở thành thủ phạm của những vụ án nghiêm trọng.

Với tính chất lỏng và có ánh kim, thủy ngân đã được một thầy thuốc người Hy Lạp đặt cho cái tên “nước bạc”. Theo tiếng Latinh, kim loại này có tên là hydrargyrum. Ở châu Âu, nó lại được lấy theo tên của một vị thần La Mã – thần Mercury.

Trong nhiều tài liệu cổ, người ta đã đề cập đến tác dụng chữa bệnh của thủy ngân. Các thầy thuốc thời xưa mô tả cách họ điều trị bệnh nhân bị xoắn ruột bằng cách rót một lượng thủy ngân chừng hơn 200 gam vào dạ dày người bệnh. Họ cho rằng “nước bạc” nặng và linh động sẽ luồn lách trong ruột để nắn lại các đoạn ruột bị xoắn.

Hàng thế kỷ sau đó, thủy ngân vẫn được “trọng dụng” để chữa bệnh, chẳng hạn để chữa bệnh giang mai vào thế kỷ 16, trước khi có các chất kháng sinh. Trong suốt thế kỷ 19, loại thần dược có tên là “Blue mass” là một dạng thuốc viên thành phần chính là thủy ngân, đã được các thầy thuốc dùng để điều trị các bệnh như táo bón, trầm cảm, đau răng và thậm chí dùng trong việc sinh nở. Cho đến đầu thế kỷ 20, thủy ngân được cấp phát cho trẻ em hằng năm như là thuốc nhuận tràng và tẩy giun.

Những vụ án kinh hoàng

Việc sử dụng thủy ngân sai trong quá khứ đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Những nạn nhân đầu tiên có lẽ là các nhà giả kim thuật.

Từ thời cổ đại, các nhà giả kim thuật đã biết sử dụng thủy ngân để chế ra một số kim loại khác, đặc biệt là vàng. Trong những “phòng thí nghiệm” sơ sài, các nhà giả kim Trung Hoa, Ai Cập, Ả Rập ngày đêm chung sống với thứ chất lỏng kỳ lạ để mong tìm được “bí quyết” chế ra vàng. Họ không biết rằng, hơi thủy ngân đã xâm nhập đường hô hấp, ngấm qua da… vào cơ thể họ. Hậu quả cuối cùng họ đều mắc những chứng bệnh kỳ lạ như ảo giác, ám ảnh, cơ thể suy nhược và chết một cách bí hiểm.

Công trình mạ mái vòm nhà thờ Isaac ở Petecbua (Nga) đã cướp đi hàng chục sinh mạng người thợ. Vì thủy ngân có khả năng hòa tan nhiều kim loại, tạo thành “hỗn hống” (amalgam), người ta đã đem hơn 100kg vàng nguyên chất hòa tan trong thủy ngân thành hỗn hống, sau đó tráng lên những tấm đồng đường kính lớn hàng chục mét. Các tấm đồng này nung nóng trên những cái lò đặc biệt cho đến khi thủy ngân bốc hơi hết và để lại một lớp vàng rất mỏng trên tấm đồng. Những người thợ làm vòm nhà thờ khi đó dù được trang bị bằng quần áo lao động và che mặt bằng một tấm kính, song cũng không ngăn được thứ hơi độc chết người màu xanh nhạt xâm nhập cơ thể họ. Hơn 10 người thợ đã chết vì những căn bệnh bí hiểm. Thời đó, người ta đã thêu dệt nên những câu chuyện liên quan đến ma quỷ trong vụ án này.

Những cơn điên loạn và cái chết của Sa hoàng Ivan IV Vaxilievich (1530 – 1564) là một bí ẩn mà gần đây mới được giải mã. Các tài liệu ghi lại ông vua này có một sức khỏe bình thường, nhưng sau đó mắc chứng bệnh kỳ lạ, thỉnh thoảng lên cơn điên loạn. Trong một cơn cuồng nộ như thế, ông ta đã giết chết chính con trai của mình. Ông ta thường xuyên bị ám ảnh bởi những ảo giác, luôn nghi ngờ và lúc nào cũng run sợ vì cho rằng tai họa đang rình rập xung quanh. Khi đó người ta cho rằng ông bị quỷ ám. Nhưng việc khai quật hài cốt của ông do các nhà khoa học tiến hành sau này đã cho thấy thủ phạm chính là thủy ngân. Do ông bị mắc chứng đau nhức xương, các ngự y đã kê đơn cho sử dụng nhiều loại thuốc mỡ chứa thủy ngân trong một thời gian dài, khiến ông bị ngộ độc. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng thủy ngân trong xương của nhà vua rất cao.

Các nhà sử học từng nghiên cứu các kho lưu trữ của thế kỷ 17 đã khẳng định, sự nhiễm độc thủy ngân cũng là nguyên nhân gây nên cái chết của vua Carl (Charles) II thuộc triều đại Stuart ở nước Anh. Vì quá say mê những ý tưởng giả kim thuật, nhà vua đã trang bị một phòng thí nghiệm trong cung đình; tại đó, ông đã sử dụng tất cả thời gian rỗi để nung thủy ngân. Trong nhiều tài liệu có mô tả các triệu chứng của Carl II như tính cáu gắt, chứng co giật, bệnh niệu độc (bệnh đái ra các chất độc) kinh niên. Các bệnh này do tác động lâu dài của hơi thủy ngân gây ra. Mặc dầu các vị ngự y đã thử dùng đủ mọi phương thuốc hiệu nghiệm nhất của y học thời bấy giờ: hút máu, uống ký ninh nhưng vẫn không thể cứu được nhà vua.

Những vụ án thời hiện đại

Vùng biển Minamata (Nhật Bản) nơi từng bị nhiễm thủy ngân. Ảnh: SK&ĐS.

Đến tận thế kỷ 20, thủy ngân vẫn gây những vụ án kinh hoàng tại nhiều nơi. Tại Nhật Bản – đất nước có nền công nghiệp phát triển cũng đã từng chấn động do thảm họa thủy ngân, mà người ta hay gọi là thảm họa Minamata.

Vào đầu những năm 1950, nhiều người dân ở khu vực Minamata – một khu vực chuyên về đánh bắt thủy sản ở phía Nam Nhật Bản bị mắc những chứng bệnh lạ như run rẩy chân tay, bại liệt, mất trí nhớ, một số trường hợp bị tử vong. Các nhà chức trách phát hiện ra chất thải công nghiệp có chứa thủy ngân của công ty sản xuất hóa chất Chisso đã làm cho các loài hải sản vùng biển này bị nhiễm thủy ngân. Người dân ở đây đánh bắt và sử dụng các loại hải sản đó và bị nhiễm độc. Khoảng trên 3.000 người đã có những khuyết tật nào đó hay có triệu chứng ngộ độc thủy ngân nặng nề hoặc đã chết vì ngộ độc.

Năm 1965, một vụ nhiễm độc trên diện rộng ở Nigata cũng xảy ra tương tự như ở Minamata và thủ phạm là chất thải chứa thủy ngân của một công ty khai khoáng trên địa bàn. Năm 2001, có khoảng 1.700 trong số 2.200 người bị chết vì bị ảnh hưởng bởi độc chất từ nhà máy hóa chất ở miền Nam Nhật Bản, là do bị ngộ độc vì ăn cá ở địa phương.

Và mới đây, một quan chức Nhật Bản cho biết thịt cá voi và cá heo cung cấp cho các buổi ăn trưa tại những trường học trên toàn nước này đã nhiễm một lượng thủy ngân vượt xa tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.

Ngày nay, với tốc độ phát triển của các nền công nghiệp hiện đại, người ta càng lo ngại đến nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Tuy vậy, cũng phải đánh giá một cách công bằng. Thủy ngân chính là một “người bạn” thuộc dạng lâu năm nhất của con người và mang lại nhiều lợi ích nếu biết sử dụng đúng đắn.

(Theo Sức khoẻ và Đời sống)

Nguy cơ nhiễm độc chì và thuỷ ngân tiềm ẩn tại nhà

Thứ năm, 25 Tháng năm 2006, 20:53 GMT+7

Nguy co nhiem doc chi va thuy ngan tiem an tai nha Phòng ăn thoáng mát sẽ giúp trẻ tránh được nguy cơ bị nhiễm độc.

Môi trường trong nhà luôn có nguy cơ tiềm ẩn nhiễm độc chì và thuỷ ngân. Các loại sơn nhà không nên có hai chất này. Tránh cho trẻ ăn hoặc hít phải bụi sơn.Mối đe dọa

Chì có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và đường miệng. Chì và hơi chì làm cho mắt, cổ họng và mũi đau rát khi tiếp xúc. Chì cũng gây ra các triệu chứng như nhức đầu, cáu kỉnh, giảm trí nhớ, mất ngủ…

Tiếp xúc với chì thường xuyên sẽ dẫn đến nhiễm độc chì. Các triệu chứng do nhiễm độc chì là: ăn không ngon, sụt cân, buồn nôn, đau bụng, vận động khó khăn, bị chuột rút, tăng nguy cơ cao huyết áp, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh về thận, tổn hại não và thiếu máu.

Thủy ngân xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và qua da. Thủy ngân gây cảm giác rát cho da và mắt khi tiếp xúc. Khi hít phải hơi thủy ngân sẽ khiến bị ho, đau tức ngực, có cảm giác đau rát ở phổi và gây khó thở. Tiếp xúc với thủy ngân thường xuyên sẽ dễ bị nhiễm độc. Triệu chứng bao gồm: tay chân bị run, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mờ mắt và bị các chứng bệnh về thận. Chì và thủy ngân đều có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả phụ nữ và nam giới lẫn thai nhi.

“Kẻ thù” ở trong nhà

Chì và thủy ngân là hai kim loại nặng được phát minh và đưa vào sử dụng từ rất lâu. Chì được dùng trong sản xuất sơn, pin, đạn, vỏ dây cáp, men gốm, đúc kim loại và các mối hàn. Thủy ngân được dùng trong sản xuất sơn, nhiệt kế, đèn thủy ngân, tráng thủy cho gương và trong các linh kiện điện tử. Tuy nhiên, chúng cũng nằm trong danh sách các chất độc cực kỳ mạnh và rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Không chỉ những người làm công việc có liên quan đến chì và thủy ngân mới có nguy cơ nhiễm độc. Ai cũng có thể bị nhiễm độc chì và thủy ngân từ nước, đất, không khí xung quanh, khí thải động cơ và từ các nhà máy. Nguy cơ cũng có thể tiềm ẩn ngay trong nhà mà chúng ta không nhận ra được từ các vẩy bụi sơn tường, cửa và các vật dụng trong gia đình được sơn từ các loại sơn có chì và thủy ngân; từ đất và bụi xung quanh nhà; nước nhiễm chì từ hệ thống ống dẫn nước; từ các đồ dùng bằng pha lê, thủy tinh màu, đồ gốm, các loại pin, máy quay phim, đồ chơi, đài radio, máy tính, nhiệt kế, các loại đèn thủy ngân mỹ phẩm.Nhiều sản phẩm sơn – đặc biệt là các loại sơn dành cho gỗ, bê tông, kim loại, khung cửa, đều chứa hàm lượng chì và thủy ngân rất cao, cho nên bạn có thể bị nhiễm độc khi sống trong một ngôi nhà được sơn bằng sơn có sử dụng chì và thủy ngân. Đối tượng dễ bị nhiễm độc nhất trong gia đình chính là trẻ em nếu hít phải bụi sơn; đút tay hoặc nhặt bất cứ thứ gì có dính bụi sơn nói trên đưa vào miệng. Ở trẻ, nhiễm độc chì và thủy ngân gây tác hại nghiêm trọng hơn, vì hệ thần kinh của trẻ nhạy cảm hơn (ảnh hưởng đến não, hệ thần kinh, khả năng tiếp thu và sự phát triển của trẻ nhỏ).

Phòng tránh nhiễm độc

Để tránh hậu quả đáng tiếc như trên, khi mua các vật dụng gia đình, đồ pha lê, đồ gốm, hoặc đồ chơi cho trẻ em, nên tìm mua loại có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo không sử dụng chì và thủy ngân trong quá trình sản xuất. Thực hiện chế độ ăn thích hợp với nhiều chất sắt, calci, vitamin C để giúp cơ thể chống chì. Chọn và dùng các loại sơn cho cả nội và ngoại thất không sử dụng chì và thủy ngân.

Không cho trẻ gặm vành cửa sổ hoặc các vật dụng có sơn. Thường xuyên rửa tay. Khi mở vòi, để nước chảy ra khoảng 60 giây trước khi hứng vô chai lọ và cất vào tủ lạnh để uống. Khoảng một tháng một lần tháo và chùi bộ phận lọc của vòi nước để loại bỏ chất cặn tại đó. Chỉ nên dùng nước lạnh để uống hoặc nấu, vì nước nóng có mức chì cao hơn. Lấy nước lạnh đun sôi để pha trà, cà phê hoặc nấu ăn. Không dùng nước nóng ở vòi để uống hoặc nấu…

Theo Sài Gòn Giải phóng

Hiểm Họa Thủy Ngân Trong Công Nghệ Than Nhiệt Điện

Hiện tại, trên hầu hết các quốc gia trên thế giới, than đá vẫn là nguồn nguyên liệu chính cung cấp điện năng cho nhu cầu trong nước. So với các nguồn năng lượng khác như năng lượng hạch nhân, thủy điện, và các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời, sóng và thủy triều cùng các loại năng lượng tái sinh, năng lượng đến từ than đã tạo ra hai hiểm họa lớn cho nhân loại. Đó là khí carbonic, nguyên nhân của sự hâm nóng tòan cầu, và vấn nạn ô nhiễm thủy ngân trong không khí và nguồn nước qua việc xử dụng năng lượng từ than. Tạp chí KH&MT kỳ nầy sẽ thảo luận với TS MTT về hiểm họa trên.

  • Hỏi 1: Trước hết xin TS MTT cho biết sơ lược về tình hình xử dụng năng lượng từ than nhiệt điện trên thế giới.

Đáp 1: Hiện tại, than nhiệt điện vẫn còn được xử dụng rộng rãi trên thế giới. Hoa Kỳ là một quốc gia tiến bộ nhất về công nghệ năng lượng, nhưng nhu cầu điện năng do than nhiệt điện vẫn chiếm 52% trên nhu cầu tòan quốc, vì đây là nguồn năng lượng có giá thành rẻ nhất của quốc gia nầy. Tại Âu châu, vì các mỏ than không còn ở mức dự trử dồi dào nữa, do đó đa số các quốc gia nầy như Anh, Pháp, Đức , Ý dần dần chuyển sang việc dùng nguồn năng lượng hạch nhân và nguồn than nhiệt điện chỉ còn chiếm từ 30 đến 40% nhu cầu quốc gia mà thôi.

Ở các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, than nhiệt điện vẫn còn chiếm đa số, nhưng hiện tại hai quốc gia nầy có khuynh hướng xử dụng nguồn thủy điện và hạch nhân.

Riêng tại Việt Nam, thủy điện chiếm 60% nhu cầu trong nước, và than nhiệt điện chiếm 34%. Theo thống kê năm 2002, Việt Nam đã sản xuất 34,5 tỷ Kw/giờ than nhiệt điện, và có trử lượng than là 165 triệu tấn, trong đó tuyệt đại đa số là than anthracite, cho nhiều năng lượng và có hiệu quả kinh tế cao.. Năm 2005, Việt Nam dự trù sản xuất 30 triệu tấn than. Theo ước tính vào năm 2030, tòan thế giới sẽ xử dụng khoảng 1.440 GW (gigawatts); riêng Trung Quốc sẽ tiêu thụ 700 GW từ than nhiệt điện. ( 1GW = 4,2 kwgiờ).

  • Hỏi 2: Ngoài việc phóng thích khí carbonic vào không khí, than nhiệt điện còn có nguy cơ phóng thích khí thủy ngân dưới dạng khí và một số khí độc khác, xin ông cho biết thêm về vấn đề nầy.

Đáp 2: Trong khí thải hồi từ công nghệ than, ngoài khí carbonic, cần phải kể đến khí sulfur dioxide (SO2), nitrogen oxides, và nhất là thủy ngân dưới dạng khí. Theo ước tính, hàng năm, công nghệ than nhiệt điện của Hoa Kỳ thải hồi vào không khí 48 tấn thủy ngân. Cơ quan Bảo vệ Môi trường HK đã bắt đầu đưa ra định mức để hạn chế lướng thủy ngân phóng thích do công nghệ nầy là 38 tấn cho năm 2010, và giảm xuống còn 15 tấn vào năm 2018. Để khuyến khích việc thi hành định mức nầy, chính phủ HK, tùy theo mức giảm thiểu của từng cơ sở sản xuất, sẽ ấn định mức khen thưởng và giảm thuế.

  • Hỏi 3: Nói đến hiểm họa thủy ngân, trước hết xin TS cho biết thủy ngân ở dạng khí nầy xâm nhập vào cơ thể con người như thế nào?

Đáp 3: Thưa anh, Thủy ngân ở dạng khí trên sẽ xâm nhập vào đất và nguồn nước. Cây cỏ, rau đậu, củ v.v… hấp thụ thủy ngân qua rễ cây. Và trong nguồn nước, thủy ngân lần lần nhiễm vào tôm cá. Do đó, công nghệ than nhiệt điện nầy có thể làm cho con người sẽ bị tiếp nhiễm thuỷ ngân qua các nguồn thực phẩm trên.

  • Hỏi 4: Như vậy sự xâm nhập của thủy ngân vaò cơ thể là điều không thể tránh khỏi và ảnh hưởng của nó lên sức khoẻ như thế nào?

Đáp 4: Thông thường ở các quốc gia kỹ nghệ, trung bình cơ thể con ngưới hấp thụ qua đường không khí, thực phẩmvà nước vào khoảng 0,3 ug thủy ngân hàng ngày. Một khi đi vào cơ thể, thủy ngân sẽ kết dính vào các tế bào thần kinh chứa nhóm amino acid, đặc biệt là chuổi tế bào nằm ngoài và ở đuôi (axon) các chuổi dây thần kinh vận động. Thời gian bán hủy của thủy ngân trong cơ thể từ 15 đến 30 năm, nghĩa là thủy ngân tích tụ và tồn tại trong cơ thể con người trong thời gian kể trên trước khi tự tiêu hủy.

Tùy theo nồng độ thủy ngân trong cơ thể, con người có thể bị những chứng sau đây:

– Trong giai đọan đầu sẽ bị mất ngũ, dễ bị xúc động, nhức đầu, mắt không nhìn thấy rõ và bị nhiễu loạn, phản ứng con người chậm lại so với thời gian không bị nhiễm.

– Khi bị nhiễm nặng và thủy ngân tích tụ lâu ngày trong cơ thể, thận bị hư, cột sống cũng bị ảnh hưởng, bị bịnh Alzheimer, tuyến giáp trạng (thyroid) bị liệt, hệ thống miễn nhiễm bị nhiểu loạn.

– Riêng đối với phụ nữ, có thể bị triệt sản và có bướu ở buồng trứng. Trong thời gian có mang, hệ thần kinh của thai nhi có thể bị rối loạn.

  • Hỏi 5: Đứng trước nguy cơ TS vừa nêu trên, nhân laọi có phương cách nào để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thủy ngân từ than nhiệt điện nầy không, thưa TS?

Đáp 5: Có hai cách thưa anh. Một là giảm thiểu việc xử dụng năng lượng từ than, và thay thế vào đó bằng những loại năng lượng sạch. Hai là phải chuyển đổi công nghệ than nhiệt điện bằng một công nghệ sạch hơn để hạn chế lượng khí thải vào không khí. Cũng trên Tạp chí nầy cách đây vài tháng, chúng tôi có đến công nghệ than nhiệt điện sạch để thay thế công nghệ cổ điển. Chí phí xây dựng cho công nghệ mới nầy chỉ cao hơn đôi chút so với công nghệ cổ điển là 1.200 Mỹ kim cho 1 KW so với 1.100$. Tuy nhiên giá thành sẽ tăng gấp đôi. Về lượng khí thải hồi trong công nghệ sạch nầy, khí carbonic và thủy ngân sẽ dễ dàng được thu hồi lại trước khi được phát thải vào không khí. Do đó, để đổi lại, mức an tòan sức khoẻ của con người sẽ được tăng cao và chi phí dành cho việc chửa trị vì ảnh hưởng của thủy ngân sẽ giảm nhiều.

  • Hỏi 6: Trên thế giới có nơi nào đã áp dụng công nghệ sạnh nầy không thưa TS?

Đáp 6: Dạ có thưa anh. HK đang ráo riết chuyển đổi công nghệ hiện có ra công nghệ sạch nầy với mục đích nhằm thoả mãn định mức của Cơ quan Bảo vệ Môi trường đề ra. Tuy nhiên, định mức nầy cũng không được các tiểu bang tuân thủ vì hiện tại chính phủ liên bang vẫn chưa có biện pháp xử lý thích đáng. Tuy nhiên, tiểu bang New Jersey đã thực hiện được việc trên bằng cách bắt buộc các nhà máy năng lượng từ than phải giảm bớt 90% lượng thủy ngân phóng thích vào năm 2007. HK đã dự chi 2 tỷ Mỹ kim để nghiên cứu thiết lập công nghệ mới nầy cũng như hệ thống thu hồi các khí phát thải trong đó có thủy ngân.

  • Hỏi 7: Còn Việt Nam thì sao? Với 34% năng lượng tiêu dùng tòan quốc từ than nhiệt điện, Việt Nam có dự kiến gì không thưa TS?

Đáp 7: Mặc dù năng lượng than nhiệt điện chỉ chiếm 34%, nhưng đa số người dân vẫn còn thói quen, hay do điều kiện kinh tế không cho phép vẫn dùng than cho việc nấu nướng. Tuy không có thống kê chính thức, nhưng thực tế cho thấy số lượng than dùng cho công việc nầy cũng không kém so với số lượng than dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Do đó, thiết nghĩ Việt Nam cần giải quyết hai vấn đề căn bản để có thể giảm thiểu hiểm hoạ thủy ngân trong việc dùng than là:

– Khuyến cáo người dân dùng năng lượng khác hơn ngoài than trong sinh hoạt nấu nướng hàng ngày;

– Chuyển đổi công nghệ than nhiệt điện hiện có bằng một công nghệ sạch.

Đối với giải pháp 2, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến kỹ thuật để đạt đến công nghệ sạch như đầu tư nhân lực và tài lực trong công việc trên. Từ na 2004, Việt Nam đã dành một ngân khoản 930 triệu Mỹ kim cho việc nghiên cứu quản lý sản xuất than hiệu quả hơn, cũng như tân trang và hiện đại hóa kỹ thuật. Ngoài ra, Việt Nam còn có dự kiến xây dưng mô hình nhà máy năng lượng than nhiệt điện bằng công nghệ sạch ở Nạ Dương, Cẩm Phá, An Hóa, và Sơn Đông.

Nếu thực hiện được những cải tiến như đã dự trù, nguy cơ bị nhiễm độc thủy ngân của người dân trong công nghệ than nhiệt điện sẽ được giảm thiểu nhiều hơn và chi phí y tế dành cho việc chửa trị sẽ được dùng vào các dịch vụ bảo vệ môi trường trong các lãnh vực khác.

Kính chào Quý thính giả của Đài ACTD

http://www.khoahoc.net/baivo/maithanhtruyet/010905-hiemhoathuyngan.htm

Bí mật địa cung Tần Thuỷ Hoàng



Sử ký của Tư Mã Thiên có ghi chép rõ về lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Đây là công trình khổng lồ, sử dụng 7 vạn nhân công xây dựng trong 38 năm, hao phí 1/3 tài sản quốc gia.

Nhưng tại sao công trình hoành tráng như thế mà nay chỉ thấy gò hoang trơ cùng tuế nguyệt, không có thành cao lũy sâu, cung điện nguy nga?

Vào tháng 3/1974, vùng Thiểm Tây, Trung Quốc hạn hán nặng chưa từng có, nông dân ở dưới chân núi Ly Sơn buộc phải đào giếng. Ở một bên giếng sắp đổ của thôn dân Dương Chí Phát bất ngờ phát hiện những tượng người bằng đất, hình dạng như chiến binh, giống tượng thần mà không phải… Đó chính là “đạo quân dưới lòng đất” của Tần Vương Doanh Chính với hơn 8.000 binh mã, tạo hình cực kỳ tinh xảo, thần thái không giống nhau. Nếu vị trí cái giếng này chỉ hơi lệch một chút, thì có lẽ lịch sử vương triều hơn 2.000 năm trước vẫn còn ngủ yên trong lòng đất.

Điều khiến các nhà khảo cổ quan tâm là những tượng chiến binh bằng đất nung này được phát hiện cách chỗ lăng Tần Thủy Hoàng đến 1,5 km. Chúng có liên quan gì đến lăng mộ hay không? Ngọn núi nằm bên dưới chân núi Ly Sơn là phần mộ của Tần Thủy Hoàng, nhưng bí ẩn của nó nằm sâu trong địa cung thâm u mà thần bí.

Khu mộ được bao bọc hai lớp thành lũy theo kiểu chữ “hồi” – gồm 2 đường chạy bọc lấy nhau dài hơn 10 km. Riêng hình thế và kết cấu bên trong của địa cung thì đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Sử ký của Tư Mã Thiên có chép về địa cung Tần Thủy Hoàng rất vắn tắt và khó hiểu: “Xuyên qua 3 suối, đổ đồng xuống rồi đưa quách vào… đồ quý giá kỳ lạ chứa đầy. Sai thợ làm máy bắn cung nỏ, kẻ nào tới gần thì tự bắn. Dùng thủy ngân làm trăm dòng, sông ngòi biển cả, trên lắp thiên văn, dưới bày địa lý, dùng mỡ nhân ngư (tức con báo biển) làm đuốc để cháy mãi không tắt”.

Địa cung sâu bao nhiêu, có mấy cổng?

Địa cung Tần Thủy Hoàng có tổng diện tích 41.600 m2, tương đương 5 cái sân bóng đá quốc tế, quy mô lớn nhất đời Tần Hán. Nhưng độ sâu thì vẫn chưa thống nhất. Sử ký nói “xuyên qua ba suối”, Hán-Cửu nghi nói “sâu đến cực sâu”, tức địa cung được đào sâu đến mức không thể đào thêm được nữa. Địa cung thần bí đã kích thích nhà vật lý nổi tiếng Đinh Triệu Trung.

Ông cùng 3 nhà khoa học khác khảo sát và đưa ra dự đoán độ sâu của địa cung là từ 500 m đến 1.500 m. Nhưng sau đó giả thuyết này bị sụp đổ. Giả định địa cung đào sâu 1.000 m thì nó đã vượt quá mức chênh lệch giữa vị trí lăng mộ với sông Vị ở phía Bắc, như vậy sông Vị sẽ đảo dòng đổ vào địa cung. Tiếp đó các nhà khảo cổ, địa chất học Trung Quốc tiếp tục thăm dò độ sâu địa cung bằng nhiều cách.

Căn cứ số liệu khoan sâu mới nhất, độ sâu thực tế của địa cung mộ Tần Thủy Hoàng tương đương hầm mộ Tần Công số 1 ở Chỉ Dương, tức từ miệng hầm mộ đến đáy là 26 m. Công tác khảo sát độ sâu vẫn còn tiếp tục.

Tần Thủy Hoàng qua đời đến năm thứ hai thì công trình lăng mộ mới hoàn tất (38 năm với 70.000 thợ), ngay khi làm xong, con Tần Thủy Hoàng là Nhị Thế Hồ Hợi đã ra lệnh giết hết những người thợ trong địa cung. Sử ký chép: “Đại sự hoàn thành, đã chôn, đóng cửa giữa, hạ cửa ngoài, chôn kín hết thợ không ai ra được”.

Quan tài và đồ tùy táng đều được đặt phía trong cửa giữa, thợ đang làm việc bên trong thì đột nhiên cửa giữa đóng lại, cửa ngoài hạ xuống, chôn sống hết thợ trở thành vật bồi táng. Có thể suy đoán địa cung có 3 cửa cùng trên một trục thẳng, cửa ngoài là thả từ trên xuống; cửa giữa kẹp hai bên vách địa cung là khối cửa đá khổng lồ, không thể lay chuyển được; cửa trong cũng như cửa giữa, là một cửa chết.

Đổ thủy ngân ngừa trộm mộ

Trong Sử ký, Hán thư đều chép về việc sử dụng thủy ngân làm sông suối, biển hồ trong địa cung Tần Thủy Hoàng, nhưng để chứng thực có hàm lượng thủy ngân hay không là câu đố kéo dài đã mấy ngàn năm.

Hai chuyên gia địa chất là Thường Dũng, Lý Đồng đã nhiều lần đến lăng Thủy Hoàng lấy các mẫu vật phẩm để thử. Kết quả, riêng đất xung quanh lăng đã có hiện tượng “nhiễm thủy ngân dị thường”. Hàm lượng thủy ngân ở dưới địa cung còn cao hơn bề mặt gấp trăm lần. Nếu kẻ trộm mộ vào trong địa cung thì thủy ngân đủ sức giết chết ngay. Cũng nhờ vậy mà địa cung vẫn nguyên vẹn đến nay.

Tần Thủy Hoàng lo nghĩ rất nhiều về việc phòng ngừa bọn trộm mộ. Cổ thư có ghi việc chế máy bắn tên tự động trong địa cung nếu có kẻ đến gần. Nếu đúng như vậy thì đây là máy chống trộm tự động sớm nhất thế giới. Đời Tần đã phát minh ra loại cung nỏ liên châu bắn liên tiếp 3 mũi tên, nhưng lắp đặt ẩn mật trong địa cung phải là loại bắn tên tự động khi có vật bên ngoài chạm vào.

Đời Tần Thủy Hoàng cách nay hơn 2.200 năm lại có thể chế ra máy bắn tên tự động cao siêu như vậy sao? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Nguồn: NLĐ

http://www.caycanhvietnam.net/diendan/showthread.php?p=1339

Các chất ô nhiễm hình thành trong quá trình cháy

(06-05-2009 09:27:10)

Trong quá trình cháy trong lò hơi, các chất ô nhiễm chủ yếu là NOX, SOX và thủy ngân là các dạng dễ xuất hiện nhất, ngoài ra còn có các hợp chất biến đổi khác ở nồng độ đáng kể. Các dạng chính cũng như phụ đều có ảnh hưởng quyết định tới việc lựa chọn phương pháp khống chế và tính năng của thiết bị khống chế trong quá trình vận hành.

Như chúng ta đã biết, ở nhiệt độ rất cao, N2 và O2 phản ứng với nhau để tạo ra các ôxit nitơ. Cụ thể là sét trong cơn giông tạo ra các ôxít này, chúng thấm xuống đất và trở thành nguồn nitơ nuôi cây cối. Tuy nhiên, NOX tạo ra trong lò hơi nhà máy điện đốt than thường chỉ có 25% là do N2 và O2 phản ứng với nhau trong không khí đốt lò. ¾ còn lại là từ nitơ trong nhiên liệu.

NOX hình thành do sét và đốt than trong các lò hơi ngành điện

Cơ chế thứ hai này chịu ảnh hưởng rất lớn của kiểu lò đốt. Các lò hơi xiclon thường tạo ra nhiều NOX hơn so với các lò chạy bằng than bột. Như vậy chỉ từ quan điểm thiết kế lò hơi, kiểu lò hơi có tác động lớn tới lượng NOX cần loại bỏ.

Nhân tố quan trọng kia là thành phần của các NOX. Nói chung, khoảng chừng 90% sản phẩm ban đầu là NO, phần còn lại chủ yếu là NO2. NO2 có thể hòa tan phần nào đó trong nước (và thậm chí còn dễ hòa tan hơn nếu như được ôxy hoá tiếp thành N2O5), trong khi đó NO lại không. Kết quả là không thể sử dụng tháp lọc ướt để loại trừ NO và buộc phải phát triển các kỹ thuật khác để thu hồi NOX. Một trong số các kỹ thuật được áp dụng sớm nhất là sử dụng gió quá nhiệt (overfire air), theo đó giai đoạn cháy ban đầu được thực hiện với hỗn hợp có phần nghèo không khí để một phần đáng kể các nguyên tử nitơ trong than đá tự phản ứng để tạo thành N2. Giai đoạn cháy cuối cùng được thực hiện bằng việc phun thêm không khí vào bên trên ngọn lửa chính. Trong các phản ứng với nitơ, đây là phản ứng bền nhiệt động nhất, do liên kết ba giữa các nguyên tử nitơ trong phân tử N2 rất bền. Các phát triển mới trong công nghệ gió quá nhiệt tiếp tục cải thiện khả năng giảm NOX. Có thể nói rằng chỉ riêng quá trình này nhiều khi đã có thể giảm nồng độ NOX xuống dưới 0,09 kg/Mbtu.

Để giảm NOX xuống hơn nữa, tốt nhất là sử dụng phương pháp khử không xúc tác có chọn lọc (SNCR) và khử có xúc tác có chọn lọc (SCR), khử SCR có thể giảm nồng độ NOX xuống còn 0,1 pao/MBtu (0,045 kg/MBtu) hoặc thấp hơn. Trong cả hai kỹ thuật này, amoniắc (NH3) và urê (N2H4CO) được phun vào trong dòng khói thải để phản ứng với NOX. Quá trình này được mô tả sơ lược bằng các phương trình sau:


Hợp chất chứa lưu huỳnh thường gặp nhất xuất hiện trong quá trình cháy là SO2. Chính hợp chất này được loại bỏ trong tháp lọc. Tuy nhiên, lượng nhỏ SO3 cũng hình thành trong lò đốt và một tỷ lệ nhỏ SO3 nữa có thể tạo ra do ôxi hóa SO2 tại các tầng xúc tác SCR. Mọi người biết rõ rằng SO3, nếu được đưa thêm ở mức khống chế vào khói thải, sẽ làm giảm điện trở suất của tro bay á bitum (loại tro bay được tạo ra từ than vùng Powder River Basin – PRB). Nhưng SO3 nhiều quá mức lại tạo ra làn khói xanh từ ống khói, và có lẽ quan trọng hơn, SO3 phản ứng với hơi ẩm trong không khí để tạo ra axit sunfuric (H2SO4).

Mặc dù SO3 phản ứng với hơi ẩm trong không khí, nhưng tháp lọc ướt thì lại hầu như không giữ được hợp chất này. Dù vậy, để khắc phục những khó khăn đối với SO3, người ta đã phát triển một số kỹ thuật nhằm ngăn ngừa việc tạo ra hoặc thải SO3 qua ống khói. Cụ thể như phát triển các chất xúc tác SCR giảm thiểu hiện tượng ôxi hóa SO2 thành SO3 và phun chất kiềm vào để trung hòa SO3 trước, sau đó thu hồi trong tháp lọc.

Thủy ngân bị ôxi hóa rất dễ hòa tan và sẽ được thu hồi trong dung dịch tháp lọc ướt, nhưng thủy ngân ở dạng đơn chất thì lại không.

Sự hình thành thủy ngân khi nó thoát ra khỏi than trong và sau quá trình cháy là rất đáng quan tâm và phụ thuộc vào hàm lượng clo trong than. Khi không có clo, thủy ngân có xu hướng xuất hiện ở dạng đơn chất. Clo ôxi hóa thủy ngân chủ yếu thành Hg+2. Điều này ảnh hưởng lớn tới phương pháp thu hồi thủy ngân trong khói thải. Thủy ngân ôxi hóa rất dễ hòa tan, nhưng thủy ngân ở dạng đơn chất thì lại không. Do đó, đối với các công ty điện lực đốt than bitum miền Đông, tháp lọc ướt là giải pháp tiềm năng để loại bỏ phần lớn thủy ngân trong khói thải. Thủy ngân ôxi hóa cũng sẽ được hấp thụ vào các vật liệu có chứa than, than chưa cháy hết có trong khói thải cũng như than hoạt tính được chủ động phun vào. Khi SO2 được chuyển từ pha khí sang pha lỏng (và khi nó phản ứng lần đầu tiên với chất kiềm, có thể là đá vôi hay vôi), sản phẩm anion được tạo ra là muối sunfit (SO3-2). Sunfit dễ dàng bị ôxi hóa bởi không khí trong khói thải hoặc do việc phun không khí cưỡng bức, nhưng nó cũng có thể bị ôxi hóa do thủy ngân, mà thuỷ ngân khi đó trở về dạng đơn chất, không hòa tan được.

Đối với than PRB, chứa ít clo hơn loại than bitum, thủy ngân ở dạng đơn chất thường chiếm đa số. Mặc dù cũng có một lượng nào đó thủy ngân ở dạng đơn chất sẽ bị hấp thụ vào vật liệu chứa cácbon, nhưng quá trình này sẽ hiệu quả nhiều hơn nếu có thể ôxi hóa thủy ngân. Do đó, nhiều thử nghiệm đang tiến hành để ôxi hóa thủy ngân bằng cách phun muối clorua hay brômua vào trong khói thải hoặc là vào than trước khi đốt.

Một nhân tố tác động không tốt tới việc hấp thụ thủy ngân bằng vật liệu chứa cácbon là việc phun SO3 để làm tăng hiệu suất lọc tĩnh điện (EPS). Đốt than PRB tạo ra tro có điện trở suất cao, làm giảm một lượng nhỏ SO3. Tuy nhiên, SO3 cũng bị cácbon hấp thụ, do đó giảm hiệu quả giữ thủy ngân. Đây là một khó khăn vẫn đang được nghiên cứu.

Một dạng khác

Vấn đề cuối cùng đã được biết rõ từ nhiều năm nay nhưng vẫn là mối quan ngại của các công ty điện lực đốt một số loại than, đó là natri. Nhiều chất vô cơ trong than có cấu trúc silic phức tạp trong đó các kim loại khác nhau (như natri, nhôm, kali và các kim loại khác) liên kết với nhau. Nhưng natri cũng có thể tồn tại ở dạng muối, ví dụ như clorua. Khi đốt than, lượng natri “tự do” này bay hơi, nhưng sau đó bắt đầu ngưng tụ lại trong dải nhiệt độ xấp xỉ từ 1.300 F (700oC) tới 1.500 F (815oC). Tất nhiên khoảng nhiệt độ này tồn tại ở trong khoang phía sau lò hơi. Ở đó, natri ngưng tụ và giống như một loại keo, nó gom tro bay lại, tạo thành lớp bám tụ trên các ống quá nhiệt và ống gia nhiệt lại.

Một vấn đề có thể nảy sinh ở các công ty điện lực mà cán bộ quản lý nhiên liệu có quyền mua nhiều loại than ở thị trường tự do dựa vào giá thấp nhất. Mặc dù có thể nhiên liệu đều đến từ cùng một địa phương, nhưng chất lượng than giữa các mỏ – thậm chí nhiều khi trong cùng một vỉa than – có thể rất khác nhau, đặc biệt khi xét đến các tạp chất có trong than. Trong một số trường hợp, có thể dẫn đến hiện tượng tắc lò nhanh chóng và nghiêm trọng ở khoang phía sau lò hơi, với những hậu quả nghiêm trọng. Khi đó, ít nhất cũng có một số trường hợp mà chắc chắn nguyên nhân chính là do hàm lượng tăng cao chất bốc natri có trong than đá.

HIENDAIHOA.COM Theo KHCN Điện